Sáng tạo để tìm lối ra

Cập nhật: 13-11-2024 | 04:56:51

Đã từ lâu, cách đây cả chục năm, câu chuyện phát triển công nghiệp hỗ trợ đã được bàn luận sôi nổi tại nhiều diễn đàn, hội thảo... Không những thế, Chính phủ và các cấp bộ, ngành Trung ương cũng đã ban hành nhiều văn bản nhằm đẩy mạnh việc phát triển công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, đặt ra hàng loạt giải pháp phát triển doanh nghiệp mãng ngành này, nhấn mạnh trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc tháo gỡ khó khăn và có chính sách hỗ trợ địa phương, nhất là việc hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp sáng tạo.

Có thể khẳng định rằng, cho đến nay, hệ thống chính sách khuyến khích về phát triển công nghiệp hỗ trợ đã khá đồng bộ, có nhiều ưu đãi vượt trội. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam trong thời gian qua còn rất nhiều hạn chế, yếu kém, chưa đáp ứng được nhu cầu của các ngành công nghiệp chế tạo, lắp ráp; các doanh nghiệp trong nước sản xuất sản phẩm hỗ trợ còn rất ít, khả năng cạnh tranh yếu; nhân lực phục vụ công nghiệp hỗ trợ chưa đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng…

Về lĩnh vực này, Bình Dương được xem là một trong những địa phương tiên phong trong việc quan tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ. Còn nhớ, từ những năm 2006-2007, lãnh đạo tỉnh và ngành công thương Bình Dương thời bấy giờ đã nỗ lực để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển công nghiệp hỗ trợ, hình thành các trung tâm nguyên phụ liệu, nhất là trong lĩnh vực dệt may, da giày. Nhờ đó, năm 2009, một Trung tâm Nguyên phụ liệu Liên Anh (TP.Dĩ An), chuyên cung cấp nguyên phụ liệu cho các ngành dệt may, da giày đi vào hoạt động sau 2 năm xây dựng, vốn đầu tư khoảng 12 triệu USD. Có thể nói, ở thời điểm này đây là trung tâm có cơ sở hạ tầng hiện đại, rộng lớn nhất nước, được xem là trung tâm của ngành da giày và dệt may phía Nam. Dẫu vậy, không chỉ Trung tâm Nguyên phụ liệu Liên Anh mà một số doanh nghiệp trong ngành chủ động xây dựng trung tâm nguyên phụ liệu nhưng cũng không thành công như Công ty May Sài Gòn 2 hay Trung tâm của Vinatex cũng trong tình trạng tương tự...

Dẫu khó nhưng không thể không làm, với tầm nhìn và tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, biết làm, tỉnh đã có các giải pháp nhằm hoàn thiện lại quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ, như: Khuyến khích các nhà đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp hỗ trợ; tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong quá trình phát triển công nghiệp hỗ trợ; hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện cho công nghiệp hỗ trợ phát triển… Cụ thể, tỉnh đã ban hành Quyết định số 4108/QĐ-UBND về phê duyệt “Đề án định hướng phát triển cụm công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”.

Theo đó, Bình Dương sẽ đầu tư phát triển 4 cụm công nghiệp hỗ trợ, diện tích mỗi cụm 75 ha, trong đó xây dựng 1 cụm công nghiệp hỗ trợ chuyên ngành cơ khí. Với các khu công nghiệp đã chuẩn bị sẵn, có hạ tầng và quỹ đất sạch dồi dào, sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp liên kết phát triển công nghiệp phụ trợ. Qua đó, góp phần đẩy mạnh sản xuất, phát triển đồng bộ; đồng thời tiếp tục tạo lợi thế thu hút đầu tư mạnh mẽ vào sản xuất công nghiệp...

K.TÂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=115
Quay lên trên