Từ năm 2015 đến nay, công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng ngày càng được chú trọng thực hiện, tăng cả số cuộc kiểm tra lẫn số lượng vi phạm. Song song đó, công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật trong lĩnh vực xây dựng ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần nâng cao ý thức pháp luật của tổ chức, cá nhân.
Sở Xây dựng tăng cường công tác thanh tra, xử lý vi phạm hành chính nhiều dự án bất động sản huy động vốn trái phép khi chưa đủ điều kiện pháp lý. Trong ảnh: Dự án khu đô thị An Phú Long Garden, xã An Long, huyện Phú Giáo bị xử phạt vi phạm hành chính khi tiến hành xây dựng nhưng chưa có giấy phép
Nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân
Từ năm 2015-2020, các cơ quan chuyên trách quản lý trật tự xây dựng (bao gồm Thanh tra Sở Xây dựng, UBND cấp huyện, UBND cấp xã) đã tổ chức kiểm tra hơn 43.000 công trình trên tổng số hơn 88.000 công trình trên địa bàn, đạt tỷ lệ 49,13%. Đã kiểm tra 35.291 công trình xây dựng theo giấy phép được cấp, phát hiện và xử lý hơn 2.000 trường hợp xây dựng sai phép, gần 4.000 trường hợp không phép, 555 trường hợp vi phạm khác. Các cơ quan chuyên trách quản lý trật tự xây dựng đã kiểm tra 8.946 công trình, tăng 393 công trình so với năm 2019, tỷ lệ 4,6%; ban hành 1.224 quyết định xử lý vi phạm hành chính, tăng 155 quyết định, với tổng số tiền xử phạt hơn 30 tỷ đồng, tăng hơn 4 tỷ đồng, áp dụng biện pháp tháo dỡ công trình, phần công trình vi phạm đối với 366 trường hợp, tăng 142 trường hợp.
Ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết: “Công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm ngày càng được chú trọng. Đồng thời, Sở Xây dựng phối hợp cùng các sở, ngành liên quan và UBND huyện, thị, thành phố thường xuyên tổ chức các hội nghị phổ biến, tập huấn kiến thức pháp luật và các quy định pháp luật chuyên ngành trong lĩnh vực xây dựng cho đội ngũ công chức chuyên trách, đội ngũ quản lý tại cơ sở, góp phần nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ trong công tác quản lý và phổ biến, giải thích, hướng dẫn trong quá trình thực thi công vụ”. Ông Võ Hoàng Ngân cho biết thêm, công tác kiểm tra đối với các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng tiếp tục được thực hiện thường xuyên để chấn chỉnh, nhắc nhở về việc tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Còn nhiều khó khăn, vướng mắc
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý trật tự xây dựng vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Các quy định pháp luật hiện hành để áp dụng thực hiện quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng, vi phạm trong các lĩnh vực xây dựng còn tồn tại nhiều vướng mắc chưa được cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn hoặc ban hành văn bản quy định bổ sung, điều chỉnh, thay thế làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả, tính kịp thời trong kiểm tra của các cơ quan. Nhất là đối với các vấn đề, hoạt động mới nảy sinh làm ảnh hưởng đến công tác quản lý trong lĩnh vực xây dựng và ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác trong đời sống xã hội của địa phương.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng số cuộc kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính do Thanh tra Sở Xây dựng ban hành quyết định là 70 trường hợp. Trong đó, không phép 53 trường hợp, sai phép 1 trường hợp, vi phạm khác 16 trường hợp, tổng số tiền phạt là hơn 4 tỷ đồng. Các tổ trật tự xây dựng đã phối hợp với UBND các huyện, thị, thành phố kiểm tra 951 công trình. Trong đó, có phép 630 trường hợp, không phép 164 trường hợp, sai phép 66 trường hợp, vi phạm khác 116 trường hợp do UBND huyện, thị, thành phố ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. |
Lý giải về những vấn đề trên, ông Võ Hoàng Ngân, cho biết trong quá trình phát triển đô thị tại nhiều địa phương đã phát sinh những nhu cầu, hình thức đầu tư xây dựng của tổ chức, cá nhân như việc lắp dựng các container thành dạng các công trình có nhiều công năng khác nhau, xây dựng các công trình lắp ghép, di động. Thực hiện hoạt động kinh doanh bất động sản tại các dự án nhà ở không đúng quy định dưới các hình thức như lập giấy xác nhận ưu tiên, hợp đồng dịch vụ môi giới độc quyền, hợp đồng đặt chỗ, đặt cọc, phiếu đăng ký giữ chỗ và phiếu thu… Việc quy định biện pháp khắc phục hậu quả khi xử lý các hành vi vi phạm, đồng thời trong lĩnh vực xây dựng và đất đai chưa có sự thống nhất tại các văn bản để áp dụng xử lý. Bên cạnh đó, việc quy định thời hạn lập thủ tục điều chỉnh hoặc cấp giấy phép xây dựng khi ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính (trong thời hạn 60 ngày kể từ khi lập biên bản vi phạm hành chính) khó có thể bảo đảm thực hiện đối với các dự án đầu tư xây dựng phải tiến hành các thủ tục pháp lý trong nhiều lĩnh vực trước khi thực hiện hoàn chỉnh thủ tục xây dựng.
Cũng theo ông Võ Hoàng Ngân, việc quy định tổ chức cưỡng chế thực hiện quyết định xử lý vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền của Chánh Thanh tra sở rất khó thực hiện khi không thể bảo đảm các điều kiện, nguồn lực để tổ chức thực hiện cưỡng chế và quy trình, thủ tục pháp lý công tác cưỡng chế chưa được hướng dẫn cụ thể. Mặt khác, việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, triệt để các vi phạm trật tự xây dựng có ý nghĩa quan trọng để răn đe, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật, hiện nay chưa có các biện pháp xử lý hữu hiệu được quy định, nhất là thẩm quyền của UBND cấp xã để ngăn chặn tình trạng vi phạm trật tự xây dựng ngày càng phổ biến như các biện pháp trước đây đã từng quy định về “ngừng cung cấp điện, ngừng cung cấp nước”, “tổ chức cưỡng chế nóng”.
Để công tác quản lý trật tự ngày càng đạt hiệu quả, thời gian tới Sở Xây dựng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật thông qua các kênh thông tin tuyên truyền đa dạng đến từng khu phố, ấp, từng người dân trong khu vực, địa phương. Bên cạnh đó, Sở Xây dựng tiếp tục sử dụng các ứng dụng, hệ thống công nghệ đã triển khai trong việc cung cấp thông tin và tiếp nhận giải quyết trong lĩnh vực xây dựng như Tổng đài 1022, hệ thống phản ánh sai phạm trong lĩnh vực xây dựng, GIS. Triển khai, phổ biến và khuyến khích tổ chức và cá nhân sử dụng các ứng dụng để tham gia giám sát, cung cấp thông tin về trật tự xây dựng, trật tự đô thị trên địa bàn.
PHƯƠNG LÊ