Thời gian gần đây, số ca nhiễm Covid-19 chuyển nặng, tử vong trên địa bàn tỉnh giảm mạnh và tỷ lệ nghịch với số ca nhiễm có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng. Theo các chuyên gia y tế, những người đã tiêm 3 mũi vắc xin có nguy cơ chuyển nặng, tử vong thấp hơn người chưa tiêm vắc xin ngừa Covid-19 đến 94%.
Tỷ lệ nghịch giữa số ca nhiễm và số ca chuyển nặng, tử vong
Những ngày gần đây, số ca nhiễm Covid-19 tăng cao nhưng hầu hết là F0 nhẹ, không triệu chứng. Điển hình ngày 8-3 có tới 3.131 người nhiễm (chưa kể số ca nhiễm người dân không thông báo) nhưng không có bệnh nhân nặng chuyển lên tầng 3, không có bệnh nhân tử vong. Thống kê trong tháng 1, số ca nhập viện là 1.003 ca, nhưng đến tháng 2, con số này giảm tới 40%, chỉ còn 608 ca. Tương tự, số ca nặng thở máy và số ca tử vong cũng giảm sâu. Tháng 1 có 233 ca nặng phải thở máy, tháng 2-2022 là 17 ca, giảm 92,7%. Số ca tử vong trong tháng 1 là 168 ca đến tháng 2 là 21 ca, giảm 87,5%. Đặc biệt, nhiều tuần liên tiếp Bình Dương không ghi nhận ca tử vong. Trước đó, ngành y tế chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, tổ chức hiệu quả phân luồng, phân tuyến điều trị.
Tiêm vắc xin ngừa Covid-19 giảm nguy cơ bệnh nặng, tử vong. Trong ảnh: Tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho người dân tại TP.Dĩ An
Phó Giáo sư - Tiến sĩ (PGS-TS) Nguyễn Lân Hiếu Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, hiện biến chủng Omicron có xu hướng gia tăng lây nhiễm nhanh trên địa bàn tỉnh và đang thay thế dần biến thể Delta. Tuy nhiên, do tỷ lệ bao phủ vắc xin trên phạm vi toàn tỉnh cao, đặc biệt là đã có sự chăm sóc đối tượng nguy cơ cao nên tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng, tử vong trên tổng số bệnh nhân nặng phải nhập viện cấp cứu hồi sức (ICU) giảm sâu.
“Để hạn chế tối đa các trường hợp tử vong, chúng tôi thường xuyên đánh giá tình hình từng trường hợp để quyết định phương án điều trị tốt nhất. Qua giao ban cũng như quá trình trực tiếp điều trị, các bác sĩ đã có điều chỉnh, rút kinh nghiệm chuyên môn để điều trị hiệu quả hơn. Đặc biệt, các bác sĩ, điều dưỡng luôn túc trực 24/24 giờ theo dõi tình hình, kịp thời xử lý, hỗ trợ bệnh nhân khi tình hình chuyển biến nặng. Ngoài ra, chúng tôi kết nối nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth), khẩn trương thành lập nhóm bác sĩ điều trị Covid-19, hội chẩn trực tuyến các trường hợp bệnh khó, phân tích chuyên môn, học hỏi kinh nghiệm để điều trị hiệu quả, giảm tối đa bệnh nhân chuyển nặng và tử vong”, PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu nói.
Người tiêm 3 mũi có nguy cơ tử vong rất thấp
Thông tin về hiệu quả vắc xin, PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu cho biết thêm: “Nghiên cứu quốc tế cho thấy tỷ lệ tử vong giảm gần bằng 0 ở người đã tiêm 3 mũi vắc xin ngừa Covid-19 khi mắc bệnh. Theo đó, những người chưa tiêm vắc xin ngừa Covid-19 có nguy cơ tử vong cao hơn 97 lần so với những người đã tiêm mũi vắc xin tăng cường. Tại Hà Nội cũng đã có một nghiên cứu quy mô nhỏ cho thấy khoảng 20 - 30% người tiêm đủ 2 mũi có nồng độ kháng thể thấp, nhưng khi tiêm mũi bổ sung, nhắc lại thì kháng thể bảo vệ gia tăng ở hầu hết người tiêm. Tôi khuyến khích mọi người nên tiêm liều vắc xin tăng cường ngay khi có thể”.
Số liệu nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ cho biết số ca tử vong trung bình hàng tuần đối với những người không tiêm phòng trong nghiên cứu là 9,7/100.000 người, nhưng đối với nhóm đã được tiêm phòng chỉ có 0,7/100.000 người. Điều này có nghĩa là nguy cơ tử vong do Covid-19 ở những người không tiêm phòng cao hơn 14 lần so với những người đã tiêm đủ liều. Đối với những người được tiêm mũi tăng cường, số ca tử vong trung bình hàng tuần là 0,1/100.000 người, có nghĩa là những người chưa tiêm phòng có nguy cơ tử vong cao hơn 97 lần so với những người được tiêm mũi tăng cường.
Thống kê tại Bình Dương cho thấy, trong tuần vừa qua có 2 người tử vong, trong số đó, là các trường hợp chưa tiêm mũi vắc xin nào hoặc tiêm chưa đủ liều, bệnh nền nặng. Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Qua theo dõi các ca bệnh nặng và các trường hợp tử vong thấy rằng, nhóm nguy cơ tử vong cao tập trung vào trường hợp mắc Covid-19 có bệnh nền, lớn tuổi, đặc biệt là người có bệnh nền nhưng nằm một chỗ lâu ngày và chưa tiêm vắc xin”. Tiến sĩ Chương nhấn mạnh, theo kết quả phân tích đối với một số bệnh nhân Covid-19 chưa tiêm và đã tiêm vắc xin cho thấy nhóm đã tiêm vắc xin có tỷ lệ bệnh nặng thấp hơn rõ rệt. Tuy nhiên, không phải là tiêm vắc xin là không nhiễm bệnh, người dân cần thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch bệnh, không chủ quan, lơ là mà tiếp tục thực hiện “5K” dù đã tiêm vắc xin.
KIM HÀ