Từng vang danh khắp vùng Nam kỳ lục tỉnh, làng sơn mài Tương Bình Hiệp (phường Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một) chứa đựng những tinh hoa nghệ thuật, mang đậm nét văn hóa truyền thống. Không chỉ có mặt ở trong nước, sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp đã từng xuất dương đến với nhiều thị trường trên thế giới.
Với lịch sử phát triển và hình thành hơn 200 năm, năm 2016 nghề truyền thống sơn mài Tương Bình Hiệp đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Sau nhiều năm thăng trầm biến đổi của thời cuộc, bằng sự tâm huyết của các nghệ nhân, quy trình sản xuất tranh sơn mài ở Tương Bình Hiệp cho đến ngày nay vẫn lưu giữ được phương pháp cổ truyền, mặc dù nội dung đề tài sản phẩm có sự thay đổi cho phù hợp với thị hiếu của khách hàng. Nhìn lại lịch sử hành trang mở cõi về phương Nam, cha ông ta đã mang theo những nét văn hóa đa sắc màu, trong đó những tâm tư, tình cảm đã được tái hiện qua bức tranh cây đa, giếng nước, sân đình… Theo chiều dài lịch sử đã hình thành nên những làng nghề truyền thống, được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Đặc biệt, khi những nghệ nhân tâm huyết mở ra các lớp đào tạo nghề đã đánh dấu một bước phát triển mới cho làng sơn mài Tương Bình Hiệp. Thập niên 1980-1990 là thời kỳ vàng son của làng sơn mài Tương Bình Hiệp với việc thành lập hợp tác xã sơn mài có hàng trăm xã viên, hàng trăm hộ có nguồn thu nhập chính từ sản xuất sơn mài, thu hút nhiều lao động từ nơi khác đến làm việc và học nghề. Sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp đã xuất khẩu sang thị trường quốc tế và được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng, xứng đáng là điểm son rực rỡ cho nền văn hóa nghệ thuật truyền thống của Bình Dương nói riêng, cả nước nói chung.
Với mong muốn làm sống dậy một làng nghề truyền thống, Đề án “Bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp với du lịch thuộc địa bàn TP.Thủ Dầu Một” đã được UBND tỉnh phê duyệt và chỉ đạo địa phương nỗ lực lưu giữ, phát triển nghề sơn mài. Qua nhiều cuộc họp, khảo sát, dự kiến Đề án “Bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp” sẽ được công bố vào tháng 10 tới. Đề án không chỉ mở ra hy vọng cho nhiều lớp nghệ nhân tâm huyết mà còn góp phần vào giải quyết việc làm, thu hút du khách gần xa trong kế hoạch phát triển ngành công nghiệp không khói của tỉnh, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương.
T.ĐỒNG