Ngày thơ Việt Nam thường được tổ chức vào ngày Rằm tháng giêng âm lịch, nhưng năm nay, hướng về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc, ngày thơ được tổ chức sớm hơn 2 ngày, tại di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 17 với chủ đề “Sông núi trên vai” đã thể hiện tinh thần hướng về mọi miền biên cương, hải đảo Tổ quốc, tình yêu quê hương, đất nước nói chung của những người cầm bút. Cảm thức thiêng liêng về miền biên viễn mang tới cho nhà thơ, nhà văn những suy ngẫm, cảm xúc sâu lắng để cho ra đời những sáng tác đặc biệt.
Những vần thơ về chiến tranh biên giới phía bắc hết sức xúc động khi chuyển tải tinh thần, ý chí, sự dũng cảm hy sinh quên mình của quân và dân ta, đặc biệt là ở 6 tỉnh biên giới phía bắc từ năm 1979 đến 1989. Nhiều văn nghệ sĩ trong và ngoài nước, đặc biệt là những nhà thơ từng đi qua chiến tranh đã tham dự ngày hội thơ như muốn gửi một thông điệp tâm huyết đến công chúng yêu thơ cả nước. Đó là các nhà thơ luôn đặt lợi ích của Tổ quốc, của dân tộc, của nhân dân lên trên hết. Tổ quốc và nhân dân chính là cảm hứng, là niềm say đắm, thăng hoa và còn là trách nhiệm của các văn nghệ sĩ.
Còn nhớ, cách đây 40 năm, bài hát “Chiến đấu vì độc lập tự do” của nhạc sĩ Phạm Tuyên được sáng tác ngay đêm đầu tiên của trận chiến vệ quốc ngày 17-2-1979 được vang lên như lời hịch kêu gọi cả nước lên đường, toàn dân ra trận bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Những câu hát như “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới/ Gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới…” vẫn còn in đậm trong tâm trí của nhiều lớp người sống ở giai đoạn đó và còn vọng mãi cho tới mai sau. Khi “Lửa đã cháy và máu đã đổ trên khắp dải biên cương/ Đất nước của ngàn chiến công/ Vẫn sục sôi khí thế hào hùng/ Những Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa.../ Đang gọi tiếp thêm những bản hùng ca!”. Đó cũng là lúc “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”, lại vang lên lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, cả nước lại hành quân ra trận.
Chính lòng yêu nước sâu đậm đã thôi thúc các văn nghệ sĩ thổi vào thơ ca một luồng sinh khí mới. Trong hoàn cảnh đất nước bị xâm lăng, nguồn mạch này càng trở nên mãnh liệt hơn và trong triệu triệu con tim người dân nước Việt lại hừng hực chí khí chiến đấu vì độc lập - tự do và khát vọng hòa bình.
TRUNG ĐỒNG