Anh là một trong những họa sĩ của Bình Dương vẫn trung thành với dòng tranh sơn mài truyền thống. Dù có lúc khó khăn, tranh sơn mài ít người ưa chuộng nhưng Nguyễn Tấn Công vẫn sáng tác những bức tranh phong cảnh quê hương bởi theo anh nói: cái gì bình yên thì nhẹ nhàng! Tác phẩm nghệ thuật cũng thế thôi…
Họa sĩ Nguyễn Tấn Công sinh năm 1966, hiện anh sống tại phường Phú Mỹ, TP.TDM. Anh là giáo viên giảng dạy bộ môn tranh sơn mài tại trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương. Ngoài thời gian giảng dạy cho học sinh, truyền niềm đam mê hội họa đến thế hệ trẻ, anh dành riêng cho tranh. Nguyễn Tấn Công cũng là một hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam (kết nạp năm 2011) có nhiều giải thưởng qua các cuộc thi.
Anh Nguyễn Tấn Công bên tác phẩm Nguyệt Cầm
Mới đây nhất, anh đoạt giải C với tác phẩm Nguyệt Cầm tại Triển lãm Mỹ thuật Khu vực VII (Đông Nam bộ) lần thứ 22. Cuộc triển lãm này do Hội Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Văn học - Nghệ thuật Đồng Nai tổ chức. Tác phẩm Nguyệt Cầm là tranh sơn mài, kích thước 1,2x 1,5m được anh miệt mài sáng tác trong mấy tháng trời theo kiểu “rảnh lúc nào sáng tác lúc đó”. Hỏi anh lấy niềm cảm hứng từ đâu để làm nên bức tranh này, anh cho biết rất mê bản Dạ cổ hoài lang, mê tiếng Nguyệt Cầm bởi nó nói lên tình yêu chung thủy, son sắt của người vợ nhớ chồng. Từ yêu thích này mà anh nghe hoài không chán và muốn “làm cái gì đó để diễn tả tâm trạng của mình”. Cứ thế là vẽ thôi! Bởi, như anh nói, làm nghệ thuật mà nghĩ tới việc… bán sản phẩm thu lợi nhuận thì “không thể làm được!”. Tranh là do mình vẽ khi có cảm xúc. Cảm nhận và trao giải là do Ban giám khảo đánh giá chính xác nên khi nghe tin tác phẩm được giải anh rất vui mừng. Còn bán tranh lại là chuyện khác. Lại cần có sự “gặp nhau” giữa họa sĩ và người chiêm ngưỡng, yêu thích tác phẩm của mình.
Các giải thưởng mà họa sĩ Nguyễn Tấn Công đoạt được có thể kể đến như: Năm 2012, giả B (Triển lãm Mỹ thuật Đông Nam bộ) cho bức tranh “Tân Vĩnh Hiệp”. Đó là một bức phong cảnh đặc tả một trong những nét đẹp của Bình Dương. Năm 2014, giải C cho bức Mùa vàng cũng trong Triển lãm Mỹ thuật Đông Nam bộ. Trong một lần đi sáng tác tại Năm Căn (Cà Mau), anh phác họa bức “Đáy” (miêu tả đời sống ngư dân) và sau đó về nhà hoàn thành tác phẩm. Tất cả đều là tranh sơn mài bởi anh vốn trung thành với làng nghề truyền thống Tương Bình Hiệp, Bình Dương.
Để dạy học trò yêu thích hội họa, anh luôn động viên các em rất nhiều khi đã chọn bộ môn này. Theo anh Nguyễn Tấn Công, mỗi lớp có khoảng 5- 6 em thực sự có tài năng được anh khuyến khích nên tiếp tục theo học ở trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM. Đó cũng là ngôi trường anh từng học. Và, đã đi theo con đường nghệ thuật thì đừng màng… lợi danh! Cứ miệt mài sáng tác, miệt mài tìm tòi không ngưng nghỉ mới mong được đền đáp bởi những tác phẩm ưng ý, được thầy cô giáo hay đồng nghiệp đánh giá cao.
Anh vẫn ngày ngày giảng dạy và sáng tác tranh theo cách anh đã chọn. Điều cuối cùng là tính cách con người anh cũng nhẹ nhàng, lặng lẽ và bình yên như các bức tranh anh thể hiện vậy.
QUỲNH NHƯ