“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng/ Để làm gì em biết không?/ Để gió cuốn đi…”. Tình cờ nghe bài hát “Để gió cuốn đi” trên sóng radio, chúng tôi càng cảm nhận và thấm thía hơn những triết lý chất chứa trong nhạc Trịnh Công Sơn. Tuy đã 18 năm rời xa cõi tạm, nhưng những tình cảm của người yêu nhạc nói chung và người Bình Dương nói riêng vẫn còn rất sâu đậm dành cho cố nhạc sĩ tài hoa.
Đỗ Quốc Hương với bài hát “Diễm xưa”
Ngắm nhìn chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ngồi ôm đàn guitar cùng dòng chữ Google cách điệu bay bổng, chúng tôi cảm nhận dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của cố nhạc sĩ tài hoa này đang đến rất gần.
Kể cho chúng tôi nghe về những kỷ niệm về cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nghệ sĩ Lý Bạch Huệ, Phó Chủ tịch Liên Chi hội Sân khấu miền Đông Nam bộ, Chi hội trưởng Chi hội Sân khấu Bình Dương, cho biết ngày ấy nhà thơ Thu Bồn và Trịnh Công Sơn rất thân nhau. Trịnh Công Sơn hay đến nhà đàm đạo thơ ca và đàn hát với gia đình rất vui. Nghệ sĩ Lý Bạch Huệ đã từng thực hiện album với chủ đề “Cát bụi”, trong đó có 3 bài nhạc Trịnh: Cát Bụi, Biển nhớ và Diễm xưa. Nhạc của Trịnh Công Sơn đi vào ngóc ngách của trái tim người nghe, nó vừa hư vừa thực, nó vừa cho chúng ta nếm những vị ngọt của tình yêu, của cuộc đời, đặc biệt là cái đắng đầy mê muội ru hồn người nghe, cảm xúc nồng cháy và tan vào không gian nơi mà nhạc sĩ gọi là “Một cõi đi về”. “Ngày cuối cùng tiễn anh ra nghĩa trang, khi về đến nhà tôi đã hát bài của anh “Hát cho người nằm xuống” và ông xã Thu Bồn của tôi đã bật khóc”, nghệ sĩ Lý Bạch Huệ xúc động.
Còn với Đỗ Quốc Hương, tốp 20 cuộc thi Solo cùng Bolero 2018, nhạc Trịnh rất mộc mạc, dễ nghe, dễ thuộc, dường như người ta chỉ nghe một hai lần là đã thuộc rồi. Và mỗi khi hát Hạ trắng, Diễm xưa với “chiều nay còn mưa sao em không lại”, trong lòng cứ bâng khuâng hoài một cảm xúc khó tả. Phải chăng con người sống không chỉ để tồn tại mà sống “cần có một tấm lòng”, có tình yêu thương hơn hết thảy, dù tấm lòng cuối cùng cũng chỉ để “gió cuốn đi” …
Nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 và 18 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, năm nay nhiều hoạt động tưởng nhớ ông đã và đang diễn ra sôi nổi, rộng khắp. Đầu tiên, phải kể đến đêm nhạc “Gọi tên bốn mùa”, tổ chức vào ngày 30-3 tại sân vận động Hoa Lư, TP.Hồ Chí Minh. Theo đại diện Ban tổ chức, đã có 20.000 vé được phát ra miễn phí từ ngày 18-3, trong đó 2.000 vé đặc biệt dành cho khán giả ở xa có thể đăng ký trực tuyến. Sau đêm nhạc là chuỗi sự kiện trong tuần lễ Trịnh Công Sơn (từ ngày 30-3 đến 7-4) với những hoạt động nổi bật, như: Đêm nhạc Trịnh Công Sơn tại Đường sách Nhà hát lớn TP.Hồ Chí Minh, thi vẽ tranh “Trịnh Công Sơn trong tôi”, chiếu phim Trịnh Công Sơn, ra mắt 3 MV về Trịnh Công Sơn, công bố danh sách học bổng Trịnh Công Sơn.
Dịp này, tại Bình Dương cũng có nhiều văn nghệ sĩ thực hiện album nhạc Trịnh, nhiều điểm nhạc hát với nhau có chương trình hát nhạc Trịnh. Tối 1-4 tới, tại quán Shine Coffee Bar cũng sẽ diễn ra chương trình “Cho đời chút ơn”. Góp mặt trong chương trình có các ca sĩ Thùy Hương, Thùy Trang, Hoàng Minh, Hoàng Anh, Thế Hiển, Violon Bích Thảo và ban nhạc Shine Band.
Với hơn 600 ca khúc, trong đó hơn 230 ca khúc phổ biến rộng rãi, được công chúng yêu mến đón nhận, đưa nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trở thành huyền thoại âm nhạc Việt. Không những thế, nhiều ca khúc của ông còn đến với công chúng thế giới.
THỤC VĂN