Ngày 23-2-2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới.
Theo đó, một trong các giải pháp được lưu ý là: Đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết giữa các địa phương để hình thành các động lực tăng trưởng du lịch theo phương châm “một cung đường nhiều điểm đến”, hình thành sản phẩm, chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù từng địa phương; hợp tác chặt chẽ trong đầu tư, phát triển sản phẩm, truyền thông, quảng bá và triển khai các chiến dịch kích cầu du lịch.
TP Hồ Chí Minh hướng đến xây dựng thành phố du lịch an toàn, thân thiện với du khách.
Nâng giá trị các sản phẩm liên kết
Đại diện ngành Du lịch nhiều địa phương cho biết, tại khu vực Nam Bộ, nhiều sản phẩm du lịch thể hiện rõ tính liên kết đã được hình thành, khai thác, bước đầu mang lại hiệu quả.
Để phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững, các địa phương tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo giá trị gia tăng cho các sản phẩm du lịch liên kết, hợp tác giữa các địa phương, điểm đến; phát triển sản phẩm theo hướng khai thác yếu tố trải nghiệm mang tính đặc thù trên nền các sản phẩm đã có. Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh Lê Trương Hiền Hòa cho biết, Thành phố đã chủ động thực hiện nhiều chương trình hợp tác, liên kết phát triển du lịch. Các hoạt động liên kết được nâng cấp từ song phương cấp sở thành liên kết vùng cấp UBND tỉnh, thành phố với nhiều vùng, tỉnh, thành phố, trong đó có các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Đông Nam Bộ, Tây Bắc mở rộng, Đông Bắc, Thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, các địa phương Bắc Trung Bộ. Thành phố cùng các địa phương chú trọng xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù, tạo sự gắn kết với mục tiêu phát triển du lịch bền vững.
Theo Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian tới, nhiều tuyến du lịch tiếp tục được hoàn thiện, nâng tầm, gia tăng giá trị, đưa du khách đến trải nghiệm ở nhiều địa phương trong cùng hành trình. Đơn cử, các tour du lịch liên kết giữa Thành phố với các tỉnh Đông Nam Bộ như: Sắc xanh ngày mới; Chinh phục nóc nhà Nam Bộ; Tình đất đỏ miền Đông; Thiên nhiên xanh mát, sắc biển hòa ca... sẽ gia tăng những trải nghiệm văn hóa, ẩm thực, các hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật tại điểm đến.
Các tuyến du lịch "Những nẻo đường phù sa” từ Thành phố Hồ Chí Minh đến các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long như: Tiền Giang - Vĩnh Long - Cần Thơ - Hậu Giang - Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau khai thác sâu hơn các giá trị văn hóa bản địa, đặc sản ẩm thực khẩn hoang Nam Bộ. Tuyến “Non nước hữu tình” từ Thành phố Hồ Chí Minh qua Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh khai thác đậm hơn các hoạt động trải nghiệm, nét văn hóa, đặc sản ẩm thực các dân tộc, các hoạt động du lịch cộng đồng theo hướng “thuận thiên”.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long Trần Việt Phường, năm 2024, các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long tập trung liên kết, hợp tác, tạo nhiều chuỗi sản phẩm độc đáo hơn, mang nét đặc trưng của vùng... Đồng thời, các địa phương đẩy mạnh quảng bá qua các kênh truyền thông, hội chợ du lịch, thương mại. Các địa phương thuộc vùng tăng cường hợp tác với các vùng du lịch trọng điểm trong cả nước như các tỉnh vùng Đông Bắc, Tây Bắc, duyên hải miền Trung...; kết nối đưa du khách đến trải nghiệm nhiều điểm đến hơn.
Tận dụng lợi thế
Khai thác tinh tế, chắt lọc các tiềm năng, lợi thế để tạo nét riêng, đặc sắc cho sản phẩm, đóng góp vào chuỗi các sản phẩm, dịch vụ liên kết, hợp tác là giải pháp được nhiều địa phương triển khai.
Theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch cùng với ưu tiên phát triển các sản phẩm đặc thù, xây dựng thương hiệu mang bản sắc của trung tâm du lịch sôi động như: Các sản phẩm du lịch mua sắm, du lịch tham quan di tích, du lịch văn hóa, du lịch gắn với lễ hội, sự kiện, du lịch sinh thái… Thành phố đã triển khai nhiều chương trình hợp tác phát triển du lịch với các vùng du lịch trọng điểm, các tỉnh, thành phố; trọng tâm là xây dựng các sản phẩm liên kết (có thời gian lưu trú tối thiểu 2 ngày tại Thành phố Hồ Chí Minh); đồng thời, triển khai ứng dụng công nghệ để điều phối các chương trình du lịch liên kết các điểm đến và quảng bá cho các chương trình này.
Cùng thuộc Đông Nam Bộ, từ thế mạnh về vị trí địa lý cận kề trung tâm du lịch sôi động Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương đã hợp tác, khai thác các sản phẩm du lịch đường sông, tham quan làng nghề. Tỉnh đã triển khai Đề án bảo tồn, phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp gắn với du lịch tại thành phố Thủ Dầu Một, khai thác bảo tàng gốm sứ, phát triển sản phẩm du lịch tham quan mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, phục vụ du khách theo tuyến Thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương - Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương - Bình Phước…
Với các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long, hoạt động liên kết, hợp tác được đẩy mạnh, mở rộng không gian phát triển du lịch với nhiều vùng, miền trong cả nước. Ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, năm 2023, nhiều hoạt động hợp tác, kết nối đưa du khách đến Đồng bằng sông Cửu Long và các địa phương trong cả nước đã được thực hiện. Năm 2024, các hoạt động này tiếp tục được đẩy mạnh. Ví dụ: Các tỉnh, thành phố kết nối, khai thác nhiều hơn thế mạnh đặc thù của vùng du lịch Tây Nam Bộ (Đồng bằng sông Cửu Long) và Tây Bắc. Các địa phương, doanh nghiệp xây dựng, giới thiệu những tour, tuyến sản phẩm du lịch khác biệt, độc đáo từ Tây Bắc núi rừng hùng vỹ đến Tây Nam Bộ sông nước hữu tình, mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm hấp dẫn, đa dạng hơn.
Theo TTXVN