Tiếp chúng tôi trong căn phòng ấm cúng của một ngôi nhà 4 tầng tại khu Cao Lỗ, quận 8, TP.HCM, nghệ sĩ (NS) Châu Thanh từ tốn cho biết, tất cả cơ ngơi anh tạo dựng được ngày hôm nay đều nhờ vào cải lương cả... “Không hiểu sao, cứ sắp hết tiền là y như rằng có người đến kêu đi hát... Tôi nghĩ, đó là một phần cũng nhờ duyên may. Và khi mình đã có cái ăn, tôi lại hay nghĩ đến những mảnh đời bất hạnh... Thế là, cứ sau mỗi suất hát, tôi đều trích ra một phần cát-sê để bỏ ống heo, cuối năm lấy ra làm từ thiện...” - NS Châu Thanh cho biết.
Gần chục năm nay, năm nào cũng vậy, hễ đến ngày giáp tết là NS Châu Thanh cùng vợ (Ngọc Huyền Châu) và các con (Ngọc Châu, Châu Bảo) đều đến Trại phong Bến Sắn (Bình Dương) và Trại phong Bình Minh (Đồng Nai) để biểu diễn văn nghệ, tặng quà cho những bà con nơi đây; thời gian sau này, hưởng ứng việc làm đầy ý nghĩa đó của NS Châu Thanh, nhiều anh chị em NS khác như: NSƯT Lệ Thủy, Thanh Kim Huệ, Lý Hùng, Kim Tử Long, Chế Thanh, Trọng Phúc, Cẩm Tiên, Hồng Tơ, Minh Béo, Khải Hoàn, Văn Tài... cũng tham gia, đặt tên cho chương trình là “Mùa xuân yêu thương”. “Mùa Tết Nhâm Thìn - 2012 vừa qua “Mùa xuân yêu thương” của chúng tôi gom góp được trên 100 triệu đồng để chia sẻ cùng bà con ở Trại phong Bến Sắn và Bình Minh; đó là tâm huyết, sự nhiệt tình của tất cả anh chị em NS chúng tôi cùng các Mạnh Thường Quân khác; mong góp phần cùng xã hội làm dịu bớt nỗi đau, mang niềm vui đến với những bà con gặp phải hoàn cảnh thương tâm ấy...”, NS Châu Thanh bộc bạch.
Năm 1979, từ một chàng nông dân tay lấm chân bùn ở Trảng Bàng, Tây Ninh, Tuấn Kiệt (đến 1980 đổi nghệ danh là Bảo Châu, từ 1987 đến nay là Châu Thanh) khăn gói theo đoàn cải lương Sài Gòn 2 đóng vai quân sĩ, chỉ với mong ước là được “kiếm miếng cơm” qua ngày để gia đình đỡ miệng ăn trong lúc nông nhàn vì nhà nghèo lại có tới 7 anh chị em, đến mùa lại trở về với đồng ruộng. Do giọng ca truyền cảm, lại đặc biệt nên chỉ 6 tháng sau, nhân lúc nghệ sĩ Giang Châu - vai chính trong tuồng “Khách sạn hào hoa” - bận việc đột xuất, NSND Diệp Lang liền cho Tuấn Kiệt đóng thế... Kể từ đó, Tuấn Kiệt bắt đầu thăng hoa; đặc biệt, năm 1987, Châu Thanh đóng chung với Phượng Hằng trong tuồng “Vụ án Mã Ngưu” với giọng ca dài hơi (anh có thể ca 360 chữ liền một hơi) anh đã được rất nhiều người ái mộ... Năm 1988-1989, Châu Thanh về đầu quân cho đoàn Sông Bé 2, sau đó là đoàn Huỳnh Long...
Danh tiếng của NS Châu Thanh ngày càng vang xa. Đến nay, anh đã thu băng đĩa trên 300 vở tuồng và bài ca tân cổ giao duyên, được nhiều khán thính giả trong lẫn ngoài nước nồng nhiệt đón nhận. Đầu tháng 6-2012 này, anh lại có chuyến lưu diễn qua 5 nước châu Âu: Anh, Pháp, Đức, Bỉ và Hà Lan. “Đi lưu diễn các nước tôi thường ca những bài có nội dung ca ngợi quê hương đất nước mình, những bài nói lên công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha... Không nơi nào đẹp bằng nơi chôn nhau cắt rốn, không tình nào ấm áp hơn tình cha mẹ dành cho con... Ôi, thiêng liêng quá !...”, NS Châu Thanh nói.
DẠ TRẦM