Những ngày cuối tháng 6 -2019, Việt Nam đón nhận hai sự kiện mang tầm quốc tế rất đáng chú ý. Sự kiện thứ nhất: Việt Nam là khách mời chính thức tham dự Hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tổ chức tại Nhật Bản. Sự kiện thứ hai: Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) ký kết Hiệp định thương mại tự do (EVFTA). Thông qua hai sự kiện vừa nêu, rõ ràng vị thế đất nước đang tăng cao trên trường quốc tế, một Việt Nam năng động, phát triển, hội nhập đã và đang được bạn bè quốc tế ghi nhận..
Với việc Việt Nam trở thành khách mới chính thức Hội nghị G20 cho thấy các nền kinh tế lớn của thế giới, trong đó có chủ nhà Nhật Bản đánh giá rất cao sự năng động và phát triển của nền kinh tế Việt nam. Quy mô nền kinh tế Việt Nam có thể còn khá khiêm tốn nếu so sánh với các cường quốc kinh tế thế giới, nhưng xét về tiềm năng và lợi thế cùng sự phát triển năng động, phù hợp với xu thế chung của quốc tế để Việt Nam trở thành một đối tác xứng tầm cho các nền kinh tế lớn. Việt Nam chưa trở thành một nền kinh tế ở vào nhóm phát triển, nhưng Việt Nam là một nền kinh tế mới nổi, đủ tầm để các nền kinh tế mạnh hợp tác cùng có lợi.
Phát biểu tại Diễn đàn hợp tác và đầu tư Việt Nam - Nhật Bản với sự hiện diện của 1.200 đại diện doanh nghiệp hai nước vào ngày 28-6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam đang có một môi trường đầu tư giàu tiềm năng, lợi thế, đang tập trung hoàn thiện các thể chế, đón chào, tạo thuận lợi mọi mặt để các nhà đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản khi trả lời báo giới quốc tế nhân sự kiện Việt Nam là khách mời chính thức tại Hội nghị G20 đã nói rằng, đó chính là minh chứng sống động, thực tế nhất cho vai trò, vị thế của Việt Nam trên bình diện quốc tế.
Đại sứ Bruno Angelet, trưởng đại diện phái đoàn EU tại Việt Nam trả lời báo chí về việc Việt Nam và EU ký kết EVFTA nói rằng chính thực tế phát triển của Việt Nam đã thuyết phục được các nhà đàm phán. Việt Nam là địa điểm thu hút FDI rất lớn tại châu Á. EU đang ở vị trí thứ 5 trong danh sách đầu tư FDI vào Việt Nam, vì vậy EU rất muốn thúc đẩy lĩnh vực này. Việt Nam có sự phát triển kinh tế mạnh mẽ và hội nhập sâu rộng, là nước đã có rất nhiều thỏa thuận thương mại tự do, là quốc gia xuất khẩu hàng hóa lớn nhất vào EU trong Đông Nam Á. Với một hiệp định đầy tham vọng cùng EU, Việt Nam sẽ được biết tới nhiều hơn, sẽ có uy tín mạnh hơn trong mắt các nhà đầu tư quốc tế.
Đổi mới, mở cửa và hội nhập, một chặng đường bền bỉ với quyết tâm chính trị mạnh mẽ đã và đang đưa nền kinh tế đất nước phát triển bền vững. Việt Nam đang ngày càng khẳng định uy tín, vị thế của mình.
CẢNH HƯỞNG