Trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước, phương thức hòa giải luôn tồn tại trong các cộng đồng dân cư và trở thành một trong những thiết chế truyền thống để giải quyết các tranh chấp. Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, tăng cường hòa giải, đối thoại luôn là vấn đề được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Hòa giải, đối thoại để tìm sự đồng thuận nhằm giải quyết tranh chấp không chỉ dừng lại ở mô hình thí điểm mà còn được Tòa án nhân dân Tối cao phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng thành dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa.
Ngay từ thời phong kiến, với đặc điểm của một quốc gia thuần nông, các quy định về pháp luật dân sự chỉ là một bộ phận trong một đạo luật chung của triều đình, nhưng các quy định về hòa giải cũng đã hình thành. Quốc triều Hình luật (Bộ luật Hồng Đức) hay Bộ luật Gia Long (thời Nguyễn) đều có quy định cấp xã giải quyết các vụ việc tranh chấp nhỏ, các xích mích trong dân chúng bằng hòa giải nhằm giảm bớt các vụ kiện tụng, loại bớt gánh nặng cho các quan chức cấp trên. Bên cạnh các quy định trong pháp luật của triều đình, lệ làng, hương ước cũng có nhiều quy định về hòa giải phù hợp với tâm lý, tình cảm, truyền thống văn hóa làng xã để giải quyết các tranh chấp dựa trên sự tự nguyện, hợp tác và thiện chí giữa các bên.
Từ thực tế quá trình phát triển của đất nước cũng như kinh nghiệm quốc tế, hòa giải, đối thoại luôn đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là nhu cầu và đòi hỏi của xã hội để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong đời sống. Với cách thức thân thiện, đồng thuận trên nguyên tắc mềm dẻo, chia sẻ, cảm thông, cao thượng, hòa giải, đối thoại góp phần hàn gắn những mâu thuẫn, rạn nứt. Hòa giải, đối thoại còn góp phần nâng cao ý thức pháp luật của người dân, ngăn ngừa các tranh chấp trong tương lai, tạo sự đồng thuận để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Hòa giải thành, đối thoại thành giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử. Kết quả hòa giải thành, đối thoại thành phần lớn được các bên tự nguyện thi hành. Các vụ việc vì vậy không phải trải qua thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm theo quy định của các luật tố tụng; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước; hạn chế tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận. Với tòa án, đổi mới, tăng cường và nâng cao hiệu quả hòa giải, đối thoại là giải pháp căn cơ, giúp giải quyết khối lượng công việc ngày càng nặng nề, trong bối cảnh hàng năm các tranh chấp, khiếu kiện không ngừng tăng lên cả về số lượng và tính chất phức tạp.
Việc mở rộng thí điểm hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính là hướng đi đúng và là cơ sở để Tòa án nhân dân Tối cao phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa trình Quốc hội thông qua trong thời gian tới.
LÊ QUANG