Từ đầu năm đến nay, tình hình thời tiết trên cả nước nói chung, vùng Đông Nam bộ và Bình Dương nói riêng đã có những diễn biến bất thường. Đặc biệt, mưa to kèm giông lốc, mưa đá liên tục xảy ra, gây thiệt hại nặng nề về tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Mùa khô năm nay kéo dài đã gây ra hạn hán, ngập mặn ở nhiều tỉnh, thành miền Tây Nam bộ, khi những cơn mưa chuyển mùa thì cũng đồng thời xuất hiện những cơn mưa đá khác thường.
Không chỉ khu vực Nam bộ, từ đầu năm đến nay, các tỉnh phía Bắc cũng xuất hiện nhiều hiện tượng thiên tai bất thường. Điển hình như cơn mưa đá, giông, sấm sét bất thường ngay trong đêm giao thừa Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 ở Hà Nội và các tỉnh thành miền Bắc được xem là chưa từng xuất hiện trong vòng hàng chục năm qua. Thời gian gần đây, các tỉnh Nam bộ cũng xuất hiện nhiều cơn mưa lớn, mưa giông, trong cơn mưa có kèm gió giật, lốc xoáy mạnh. Những thiệt hại do thời tiết bất thường gây ra thời gian qua là rất lớn, chỉ tính riêng ở Bình Dương từ đầu năm đến nay đã xảy ra nhiều trận mưa to kèm giông lốc, gây thiệt hại về người và tài sản. Hàng chục mái nhà của người dân, nhà xưởng trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên, Phú Giáo… đã tốc mái và bị sập; hàng chục ha lúa, hoa màu, cao su đang khai thác, cây ăn trái bị thiệt hại, gãy đổ; nhiều đoạn đê bao, bờ mương bị sạt lở; nhiều trạm biến thế, trụ điện và các tài sản khác bị hư hỏng nặng do thiên tai…
Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, bất thường như hiện nay, việc dự báo thời tiết đúng và chính xác đóng vai trò hết sức quan trọng giúp cơ quan chức năng và người dân chủ động phòng ngừa, kịp thời ứng phó hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Đặc biệt, các công trình phòng, chống thiên tai trọng điểm như cống kiểm soát triều cường, các tuyến đê bao, dự án chống ngập… cần được sớm triển khai xây dựng cũng như thường xuyên quan tâm duy tu, sửa chữa. Dù được ghi nhận, đánh giá cao sự chuẩn bị và chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai thời gian qua nhưng, Bình Dương cũng là địa phương dễ bị thiệt hại nặng khi thời tiết diễn biến bất thường xảy ra. Hàng ngàn ha cao su đang khai thác rất dễ gãy đổ, nhiều nhà xưởng, công trình hạ tầng kỹ thuật đang xây dựng dễ đổ sập khi có giông lốc, nhiều ha hoa màu dễ bị ngập úng khi có triều cường kết hợp mưa to, nhiều tuyến đường sẽ ngập cục bộ ảnh hưởng đến hoạt động giao thông…
Phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, toàn xã hội. Để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra bên cạnh nhiệm vụ của các cơ quan Nhà nước thì mọi người dân hãy cùng chung tay, góp sức, nâng cao ý thức cảnh giác, không được lơ là, hãy lấy phòng ngừa làm chính…
TRUNG ĐỒNG