Thiếu tranh luận, hạn chế sáng tạo…

Cập nhật: 15-08-2018 | 07:53:42

Câu chuyện của nền giáo dục Israel được ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh chia sẻ tại hội nghị triển khai năm học 2018-2019 của địa phương này vào hôm qua (14-8), đã gợi mở rất nhiều suy nghĩ không chỉ cho ngành giáo dục - đào tạo mà còn đối với cả các bậc phụ huynh. Đó chính là sự thiếu tranh luận, phản biện của học sinh đã làm hạn chế nhu cầu sáng tạo trong quá trình hình thành tích cách của một con người.

Bí quyết của Israel - một quốc gia sáng tạo là phải tạo cho mọi người phải có thói quen được hỏi, được giải đáp và được đề nghị làm khác đi.

Và, muốn có được thói quen này thì môi trường giáo dục chính là nơi khởi đầu và hình thành. Giải thích của người Israel thì hầu hết những đứa trẻ đều có đặc điểm là khi học chúng không bao giờ hài lòng với những điều người khác trình bày sẵn. Chúng luôn đặt câu hỏi tại sao như vậy và có thể làm khác được không và giáo viên chấp nhận câu hỏi của học trò trong mọi vấn đề. Cũng vì vậy mà tính tranh luận, phản biện là một nét văn hóa của người Israel vốn được hình thành ngay từ nhỏ. Chính nền giáo dục Do Thái đã giúp Israel trở nên hùng mạnh. Trong cuốn sách “Số ít được lựa chọn” của hai giáo sư của Đại học Prince gốc Israel và Italia đã cho người đọc thấy rằng, giáo dục đã định hình nên lịch sử đáng tự hào của người Do Thái, không chỉ xưa kia mà cả ngày nay. Mặc dù đã trải qua một lịch sử rất cay đắng, nhưng tính đến giai đoạn hiện nay dân tộc này đã có hơn 180 giải Nobel trong số hơn 800 giải được trao cho toàn thế giới, khoảng hơn 30% triệu phú tại Mỹ và hơn 25% giáo sư hàng đầu thế giới…

Dẫn nguồn từ đó để nhìn vào nền giáo dục của đất nước ta mới thấy còn nhiều hạn chế. Bởi, nói như ông Nguyễn Thiện Nhân thì: “Không khéo đôi khi học trò chất vấn thầy cô lại bị xem là thiếu lễ phép. Chúng ta đang bị nhầm lẫn giữa sự tôn trọng và để cho các em tự do sáng tạo, chủ động, được hỏi và làm khác đi…”. Người Israel rất coi trọng giáo dục từ trong mỗi gia đình, trong đó cha mẹ trao quyền cho con cái để chúng độc lập trong việc lựa chọn tương lai của mình. Còn phụ huynh của chúng ta như thế nào? Có bao nhiêu phần trăm có suy nghĩ như thế? Con số này có thể chưa đo lường được nhưng chắc chắn mỗi phụ huynh sẽ trả lời được câu hỏi cho chính mình.

Hiện chúng ta đang nỗ lực thực hiện Nghị quyết số 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, vì vậy, bên cạnh những nỗ lực của ngành giáo dục, trong đó vai trò cực kỳ quan trọng của người thầy thì sự quan tâm, giáo dục đúng phương pháp của phụ huynh là điều không thể thiếu. Tất cả hãy nỗ lực vì tương lai con em chúng ta cũng là vì tương lai của đất nước.

TRUNG ĐỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=259
Quay lên trên