Dạo quanh một số trường học trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một, chúng ta dễ dàng bắt gặp những người bán TAĐP di động. Trước giờ vào lớp, nhất là buổi sáng, các điểm bán TAĐP thường rất đông khách. Đường Trần Văn Ơn, đoạn trước trường Đại học Thủ Dầu Một và trường Tiểu học Phú Hòa (TP.Thủ Dầu Một) có rất nhiều điểm bán TAĐP. Ngoài những quán cóc, là những chiếc xe đẩy bán đủ thứ, từ cơm chiên, bánh mì, bún gạo xào đến bánh tiêu, xôi, sữa đậu nành, đậu xanh… nhưng chẳng có gì che chắn bụi, nắng. Học sinh, sinh viên (HS, SV) thì tranh thủ mua, ăn để kịp giờ vào học. Người bán thì vô tư bốc thức ăn bằng tay, nhưng chẳng thấy thực khách nào phản ứng. Liệu những điểm bán đồ ăn, thức uống trước cổng trường như thế này có bảo đảm vệ sinh hay không? Ngay trước cổng trường Đại học Thủ Dầu Một (cổng 3) trên đường Trần Văn Ơn, phường Phú Hòa (TP. TDM), một số người còn bày bán thức ăn ngay sát mặt đất, chỉ “che đậy” bằng một tấm nylon mỏng manh nửa úp nửa mở, vậy mà có rất đông HS, SV ghé mua và ăn ngon lành. Các em HS, SV nên cẩn thận khi sử dụng thức ăn trước cổng trường. Trong ảnh: Các hàng quán thức ăn đường phố trước cổng trưởng Đại học Thủ Dầu Một
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ (BS) Lê Thị Kim Loan, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) tỉnh cho biết, thực phẩm có nguy cơ ô nhiễm vi sinh vật khi bày bán trên đường vì khói, bụi. Do không được che đậy nên khói, bụi, đất cát, côn trùng gây hại (ruồi) sẽ xâm nhập vào thực phẩm và người kinh doanh tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không thực hành vệ sinh cá nhân trong bảo đảm ATTP có thể truyền nhiễm vi khuẩn, siêu vi trùng, ký sinh trùng qua đôi tay bẩn, ho, hắt hơi, do đeo trang sức hoặc do cẩu thả khi chế biến. Khi bốc thức ăn bằng tay… lông, tóc của người bán rất dễ rơi vào thức ăn gây ô nhiễm, mất vệ sinh. Ngoài ra, thực phẩm chế biến sẵn được bày bán ở các quầy, hàng còn có khả năng bị ô nhiễm từ nguồn nguyên liệu, như: thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản bị bệnh, bảo quản không bảo đảm ATTP hoặc do người chế biến dùng phụ gia thực phẩm (chất tạo màu, tạo ngọt, hương liệu, chất tẩy rửa…) ngoài danh mục cho phép, không đúng hướng dẫn của nhà sản xuất trong quá trình chế biến...
Trong thời gian gần đây, tình trạng ô nhiễm thực phẩm và các sự cố về chất lượng, ATTP đang diễn biến phức tạp. Để kịp thời cảnh báo nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng trên địa bàn, Chi cục Vệ sinh ATTP tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, cơ sở kinh doanh TAĐP. Song song đó, tổ chức đoàn kiểm tra bếp ăn tập thể và TAĐP về việc chấp hành các quy định pháp luật về ATTP, tập trung kiểm tra chủ yếu vào chất lượng nguyên liệu, thực phẩm đầu vào; xét nghiệm nhanh thực phẩm nghi ngờ và gửi mẫu xét nghiệm định lượng khi kết quả xét nghiệm nhanh dương tính (đối với formol, hàn the); kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh bún, bánh phở, bánh canh tươi, bánh hỏi… trên địa bàn và lấy mẫu kiểm nghiệm các chất tinopal, sodium benzoate... Sau 2 tháng sẽ kiểm tra, giám sát lấy mẫu kiểm nghiệm đánh giá lại nhằm phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; kiên quyết đình chỉ hoạt động các cơ sở không bảo đảm chất lượng, ATTP và kịp thời công bố tên các cơ sở này trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết lựa chọn thực phẩm an toàn.
Tuy nhiên, theo BS Kim Loan, trong việc phối hợp cùng với ngành chức năng phát hiện, xử lý về ATTP, mọi người dân phải có trách nhiệm tuân thủ pháp luật, chọn lựa, chế biến thực phẩm và tiêu dùng thực phẩm theo khuyến cáo ngành y tế. Nếu phát hiện sản phẩm thực phẩm hoặc nơi sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn thì phản ánh đến các cơ quan chức năng kịp thời. Tẩy chay những nơi sản xuất, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn, kiên quyết không sử dụng thực phẩm bẩn, thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm có màu sắc sặc sỡ không tự nhiên, thực phẩm bày bán gần cống rãnh, nơi kém vệ sinh nhiều bụi, ruồi, không sử dụng thức ăn không được che đậy, bảo quản an toàn về nhiệt độ... Không sử dụng thức ăn khi thấy người kinh doanh thực phẩm ăn ngay không thực hành vệ sinh cá nhân, như: dùng tay trực tiếp bốc thức ăn, bàn tay để móng tay dài, sơn màu, đeo nữ trang, bị bệnh ngoài da (nấm móng, vết thương nhiễm trùng...).
HỒNG THUẬN