Năm 2018 - mốc 10 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật (VHNT) trong thời kỳ mới” (gọi tắt là NQ23) là dịp để các cán bộ, đảng viên, các văn nghệ sĩ trên địa bàn tỉnh nâng cao nhận thức về quan điểm của Đảng ta đối với VHNT; khẳng định VHNT vừa là nhu cầu thiết yếu, vừa là động lực to lớn, trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội; đồng thời nỗ lực sáng tạo để đưa các hoạt động VHNT ngày càng phát triển mạnh mẽ, ngang tầm với những yêu cầu đòi hỏi của cuộc sống…
Hội viên có điều kiện phát triển
Việc ban hành NQ23 của Bộ Chính trị nhằm phát huy vai trò của văn hóa nói chung, của VHNT nói riêng, thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng, tiếp tục xây dựng nền tảng đạo đức, tinh thần của chế độ xã hội ta. Qua 10 năm thực hiện NQ23, VHNT Bình Dương đã đạt được những thành tựu đáng phấn khởi. Ông Võ Đông Điền, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh đánh giá, thời gian qua, VHNT Bình Dương đã hòa nhập một cách ổn định vào dòng mạch chính là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó chặt chẽ với bản sắc văn hóa dân tộc, vừa phục vụ cho nhiệm vụ chính trị của địa phương, vừa phản ánh một cách chân thật cuộc sống đấu tranh cách mạng và lao động sáng tạo của nhân dân Bình Dương qua hai thời kỳ dựng nước và giữ nước. Qua thực tế sáng tác, đã xuất hiện nhiều tác phẩm có giá trị tốt trên tất cả các loại hình VHNT từ văn học, văn nghệ dân gian đến sân khấu, mỹ thuật, nhiếp ảnh, âm nhạc và múa thể hiện qua những đề tài lịch sử, đấu tranh cách mạng và những vấn đề thời sự của đất nước.
Chương trình nghệ thuật sân khấu hóa tái hiện đời sống người dân Bình Dương xưa tại Festival Đờn ca tài tử Quốc gia - Bình Dương năm 2017
Một trong những kết quả qua việc thực hiện NQ23, đó là đội ngũ văn nghệ sĩ Bình Dương được hình thành, phát triển và rèn luyện trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, là lực lượng nòng cốt trực tiếp tạo nên một nền VHNT mang bản sắc riêng của Bình Dương trong thời kỳ đổi mới. Đội ngũ văn nghệ sĩ Bình Dương không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng. Từ con số 170 hội viên đầu nhiệm kỳ, hiện nay đã phát triển lên 367 hội viên thuộc 8 chuyên ngành khác nhau. Song song đó, nhằm tạo điều kiện cho hội viên có dịp trao đổi, học hỏi lẫn nhau, Hội VHNT còn tạo điều kiện qua việc tổ chức các chuyến đi thâm nhập thực tế, các trại sáng tác ngắn ngày cho từng chuyên ngành, các trại sáng tác tập trung tổng hợp nhiều chuyên ngành. Qua những chuyến thực tế sáng tác này đã thực sự gây men cảm xúc cho các hội viên, nhiều tác phẩm ra đời chất lượng mang hơi thở cuộc sống. Bình quân mỗi năm hội tổ chức khoảng 5 trại sáng tác và những chuyến đi thâm nhập thực tế tại các địa phương trong và ngoài tỉnh. Ngoài số hội viên đang sinh hoạt thường xuyên, Hội VHNT còn mở rộng đối tượng sáng tác bằng cách thành lập các câu lạc bộ (CLB) sáng tác, như: CLB Sáng tác ca khúc, CLB Văn học nữ, CLB Mỹ thuật, CLB Sân khấu... Đến nay, hoạt động của các CLB này đã đi vào nề nếp và không ngừng cải tiến phương thức hoạt động để ngày càng đi sâu vào việc nâng cao chất lượng trong sáng tác…
Nhiều tác phẩm được quảng bá, phổ biến
Thực hiện NQ23, công tác quảng bá, phổ biến các tác phẩm VHNT luôn được hội đặc biệt quan tâm, giải quyết đầu ra cho các tác giả có các tác phẩm đạt chất lượng tốt. Nhiều công trình tác phẩm về văn học và văn nghệ dân gian thể hiện rõ nét bản sắc văn hóa của vùng đất, con người Bình Dương đã được hội in ấn và phát hành, trở thành nguồn tư liệu quý cho kho tàng văn hóa, văn nghệ Bình Dương. Có thể kể đến một số công trình tác phẩm tiêu biểu, như: Văn hóa ẩm thực Bình Dương, Bình Dương miền đất anh hùng, Dấu xưa đất Thủ, Những ngôi đình tiêu biểu ở Bình Dương, Lễ hội Bình Dương, Tuổi thơ dũng sĩ (viết về dũng sĩ diệt Mỹ Hồ Văn Mên)… Đối với chuyên ngành mỹ thuật và nhiếp ảnh, ngoài việc tham gia các cuộc triển lãm ở khu vực Đông Nam bộ, hàng năm hội đều tổ chức những cuộc triển lãm nhân dịp chào mừng các ngày lễ lớn trong năm như triển lãm nhiếp ảnh - mỹ thuật mừng Đảng, mừng xuân; triển lãm ảnh thời sự nghệ thuật chào mừng Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30-4… Đối với các tác phẩm sân khấu và âm nhạc, ngoài các tác phẩm tốt được dàn dựng và quảng bá trên Đài PTTH Bình Dương hoặc được đoàn Ca múa nhạc dân tộc của tỉnh dàn dựng và biểu diễn thường xuyên, hội còn chọn lọc, biên tập để thực hiện các CD, DVD ca cổ và ca nhạc. Các đĩa ca nhạc và ca cổ này đã được hội gửi đến Trung tâm Văn hóa - Thông tin các huyện, thị, thành phố trong tỉnh để quảng bá sâu rộng đến nhân dân.
Từ sau khi NQ23 ra đời, các phong trào văn nghệ quần chúng trên địa bàn tỉnh cũng không ngừng nở rộ. Nhiều hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng đã được ngành văn hóa tổ chức một cách thường xuyên như: Liên hoan đờn ca tài tử - cải lương, liên hoan ca múa nhạc dân gian, dân tộc, liên hoan tiếng hát người chiến sĩ, liên hoan văn nghệ tiếng hát công nhân các khu công nghiệp, hội diễn nghệ thuật quần chúng… Ở cấp huyện, thị và thành phố cũng đã tổ chức các cuộc thi giọng hát hay, thi đờn ca tài tử cải lương… Các hoạt động này đã tạo nên một không khí thi đua vui tươi, sôi nổi trên khắp các địa phương trong tỉnh.
Ông Võ Đông Điền đánh giá: “NQ23 ra đời với những chủ trương và giải pháp mang tính đột phá, giúp các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm nhiều hơn và cố gắng tìm tòi các phương thức chỉ đạo phù hợp, thiết thực trong lĩnh vực VHNT ở địa phương. Từ đó, góp phần cổ vũ, khích lệ và tạo niềm tin cho anh chị em văn nghệ sĩ tích cực sáng tác, đưa VHNT đến gần với nhân dân”. Để thực hiện ngày càng tốt hơn NQ23, ông Võ Đông Điền cho biết, đội ngũ văn nghệ sĩ hoạt động trên lĩnh vực VHNT tỉnh nhà luôn quyết tâm phấn đấu để có sự đổi mới mạnh mẽ, chủ động và bản lĩnh hơn nữa nhằm sáng tạo ra những tác phẩm VHNT có giá trị, được công chúng thừa nhận, những tác phẩm ngang tầm với cuộc sống, tương xứng với sự phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương - một tỉnh có nền kinh tế năng động, sáng tạo trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.
CẨM LÝ