Thượng tá CSGT Lê Đức Đoàn: Những điều tử tế gửi lại

Cập nhật: 24-11-2014 | 14:30:46

Chia tay những gương mặt quen thuộc nơi chốt giao thông gắn bó suốt 19 năm, Thượng tá Lê Đức Đoàn gửi lại cuộc sống những điều đẹp đẽ và tử tế.

Gần một tháng sau ngày bịn rịn chia tay dòng người đã quen đến từng gương mặt, dáng cười trên chốt giao thông gắn bó suốt 19 năm, ông vẫn giữ thói quen sau giờ tan tầm, ngồi lại một quán bia nhỏ, nói những câu chuyện không đầu không cuối với những vị khách nơi đây, và lắng nghe thanh âm cuộc sống ồn ào, vội vã ngoài kia.

Thượng tá Lê Đức Đoàn trên chốt giao thông nơi chân cầu Chương Dương. (Ảnh Zing)

Thật lạ, hiếm có người dân nào đi qua nơi quán nhỏ góc phố Ô Quan Chưởng ấy mà không nhận ra ông, ghé qua, tay bắt mặt mừng người thượng tá hôm nào trong bộ thường phục giản dị.

Nhận những cái bắt tay siết chặt, nhận cốc bia ‘cỏ’ của chị chủ quán quen, Thượng tá Lê Đức Đoàn cười hiền hậu, nụ cười mà chính ông thừa nhận rằng, nó viên mãn và đủ đầy, ông nói: "Cuộc đời tôi, chỉ cần có thế".

Ở tuổi 60, Thượng tá Lê Đức Đoàn trầm ngâm ngồi nhìn lại cuộc đời đã đi qua. Ông cười: "Tôi chẳng tiếc nuối điều gì, có được quay lại, vẫn sẽ sống, và vui buồn như vậy".

“Tôi sinh ra trong một gia đình cán bộ kháng chiến, đi qua thời chiến tranh, bao cấp, thiếu thốn trăm bề mà vẫn được học hành tử tế, có được một người vợ tần tảo và những đứa con ngoan ngoãn. Gần 40 năm trong lực lượng Công an nhân dân, 19 năm đứng bên cây cầu Chương Dương, được người dân yêu mến. Cuộc sống, đến lúc này đã đủ mãn nguyện”- Ông Đoàn chia sẻ.

Thượng tá Lê Đức Đoàn nhớ lại, “Năm 1977 tôi gia nhập lực lượng công an, năm 1980 vinh dự được đứng trong hàng ngũ Đảng cộng sản. Sau đó, tôi được chọn đi đào tạo ở Liên Xô (cũ). Mà thật lạ, không hiểu sao tôi cứ yêu hai từ Liên Xô đến nỗi, mấy chục năm rồi vẫn gọi xứ Bạch Dương bằng cái tên này.”

Ông nói, khi ấy mới bước qua ngưỡng cửa của tuổi 20, nhận được quyết định chọn đi đào tạo ở nước ngoài, bao nhiêu ước vọng của tuổi trẻ, gói ghém tất cả mang theo đến một đất nước xa lạ. Nhưng đặt chân đến nơi rồi, mới thấy, nó gần gũi như chính quê hương mình.

“Ký ức những năm tháng sống ở Liên Xô trong tôi tuyệt vời đến nỗi, chưa bao giờ cho phép mình quên bất cứ điều gì. Nhớ những gương mặt quen, nhớ món ăn chưa nguôi hương vị, nhớ vùng đất đã từng đặt chân, nhớ mùa thu vàng đẹp như tranh vẽ, nhớ cả những mùa đông tuyết phủ co ro vì lạnh giá…

Mỗi kỳ nghỉ hè, chúng tôi lại cùng sinh viên các trường đi picnic, đi lao động ở nông trang, cùng hái táo, vui đùa trong sự bình yên của thôn quê. Không ít lần thấy sao mà thương mến vẻ đẹp của người con gái Nga đến thế.” – ông kể rồi bật cười khi nhớ về những kỷ niệm một thời tuổi trẻ.

Hơn tất cả, với Thượng tá Lê Đức Đoàn, điều còn mãi trong tâm trí ông, là sự chân thành quá đỗi của con người Nga, tính cách Nga. Dù chưa một lần có dịp quay lại nơi đây, nhưng những tình cảm ông nhận được từ nước Nga thuở nào, vẫn còn bao nhung nhớ. Hay nói như ông, là ‘Tôi nợ nước Nga những món nợ ân tình’. Người gửi lại những điều đẹp đẽ và tử tế.

Người công an được cử đi học ngôi trường thuộc Bộ Nội vụ Liên Xô (cũ), vậy mà về nước lại “chịu” đứng chốt giao thông nơi chân cầu Chương Dương, hỏi ông về điều ấy, ông trả lời bình dị: “Lịch sử đã chọn mình làm ‘lính’, và chẳng còn gì tự hào hơn việc thấy lòng đầy vinh quang và trách nhiệm, trong vai trò một người ‘lính’”.

Không nhiều người biết trên cầu vai của bộ cảnh phục ông thường khoác trên mình có ‘mấy sao’, ‘mấy vạch’ để gọi chính xác cái tên Thượng tá Lê Đức Đoàn, những người đi qua con đường ấy chỉ nhớ nụ cười hiền hậu đến ấm lòng của chú Đoàn, anh Đoàn, bác Đoàn…mà lần nào đi qua cũng thấy những cái vẫy tay kèm lời dặn dò đi đường cẩn thận, nơi chân cầu Chương Dương.

19 năm, là quãng thời gian đủ dài để những gương mặt, nụ cười, những chuyến xe vội vã ngày đêm trở nên quen thuộc với người cảnh sát giao thông có nụ cười hiền hậu.

Trong quãng thời gian nhiều kỷ niệm ấy, Thượng tá Lê Đức Đoàn đã cứu sống khoảng 40 người có ý định tự tử trên cây cầu Chương Dương, có những trường hợp đặc biệt mà ông phải lao theo xuống dòng sông để giành lại sự sống cho một người xa lạ cảm thấy bế tắc không lối thoát trong cuộc đời.

Niềm vui sau sự thầm lặng đó, là đôi khi giữa dòng người qua lại như mắc cửi, ông gặp lại những gương mặt đã từng có ý định quay lưng lại với cuộc sống, vẫy tay chào, dúi vào tay ông củ khoai, củ sắn quê, và hồ hởi kể về những tháng ngày hiện tại mà nếu không được sống, sẽ thấy đáng nuối tiếc biết bao nhiêu.

Có lẽ, những dòng người lại qua lại trên con đường này cũng chỉ nhớ có một người cảnh sát giao thông luôn đứng đó, dù trời mưa hay nắng, dù buổi sáng sớm bình yên hay giờ tan tầm, mà không biết, những khi trái gió trở trời, ông loạng quạng bước về phía chốt giao thông, do cơn đau đầu tái phát.

Chỉ anh em đồng đội thân thiết mới biết, đó là di chứng vết thương từ hồi 2005, khi ông đi công tác trở về ngang qua đoạn đường Sóc Sơn, có một cô gái đi đường bị đám thanh niên gần chục tên có vũ khí cướp giật chiếc túi mang theo bên mình.

Ông vội vã mở cửa xe nhảy xuống cứu, thì bị chúng lấy thanh sắt đập vào mặt, vỡ xương, gãy mũi. Nằm viện 3 tháng trở về, ông thành thương binh hạng ¾. Nhắc lại chuyện này, ông chỉ thở phào, cũng may cô gái đó không sao.

Ông nắm chặt tay người viết, rưng rưng xúc động: “Nhắc nhiều về những điều ấy làm gì, điều quan trọng nhất, là tôi chưa một ngày cảm thấy cuộc sống bất công với mình, chưa một lần mảy may đòi hỏi nhiều hơn những gì đã sống và được nhận từ đồng chí, đồng đội, từ những người dân ngày ngày qua lại nơi đây.

Tạm biệt chốt giao thông nhiều gắn bó, tôi hạnh phúc khi trở về với người phụ nữ đã cùng tôi đi suốt một quãng đường dài, với hai người con mà tôi luôn tự hào vì chưa khi nào quên lời bố dặn, rằng điều cần nhất của mỗi con người, là sự trung thực và chân thành, với cô cháu gái 2 tuổi mỗi lần thấy tôi về là bi bô: Ông về, ông về…/.

Theo VOV

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1579
Quay lên trên