Tìm tuổi của một bài ca dao

Cập nhật: 22-09-2012 | 00:00:00
Trong cuốn “Hợp tuyển văn học Việt Nam”, tập I, phần “Văn học dân gian” (in lần thứ hai có sửa chữa) của Nhà Xuất bản Văn học, năm 1977, trên trang 200 có đăng bài ca dao với nội dung như sau:Mẹ em tham thúng xôi rền,Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng.Em đã dặn mẹ rằng đừng,Mẹ hấm! Mẹ hứ! Mẹ bưng ngay vào.Bây giờ chồng thấp vợ cao,Như đôi đũa lệch so sao cho bằng?Bài ca dao trên đây chắc chắn có nhiều người đã từng được đọc, được nghe. Vì vậy, nội dung của nó không cần nhắc tới ở đây thì mọi người cũng đã hiểu. Bởi lẽ đây là bài ca dao ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ và có nội dung phê phán khá sâu sắc. Hơn nữa, trước khi được sưu tầm và chọn lọc để đưa vào Tuyển tập ca dao tục ngữ Việt Nam, chắc chắn bài ca dao này được xuất hiện và đã sống trong dân gian với khoảng thời gian không phải là ngắn. Mà đã gọi là ca dao thì từ xưa tới nay có ai biết bài nào xuất hiện ở đâu, vào năm nào và ai là tác giả ?  

Những mẫu tiền Cảnh Hưng

Song, trong bài ca dao này có một chi tiết nhỏ và lại không phải là chủ đề chính bài ca dao nên ít người để ý tới, nhất là bạn đọc trẻ ngày nay. Nhưng nếu ai để ý kỹ thì sẽ biết được bài ca dao này được xuất hiện vào năm nào và cách đây bao nhiêu năm. Chi tiết ấy nằm ở ba từ cuối trong câu thứ hai của bài ca dao: Tiền Cảnh Hưng. Vậy tiền Cảnh Hưng là gì?Những mẫu tiền Cảnh HưngTheo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Cảnh Hưng là niên hiệu duy nhất của vua Lê Hiển Tông. Đây là vị vua có thời gian trị vì lâu nhất trong lịch sử các ông vua ở Việt Nam (47 năm). Và niên hiệu Cảnh Hưng cũng là niên hiệu duy nhất của vua Lê Hiển Tông trong suốt 47 năm ông ở ngôi. Vua Lê Hiển Tông là con trưởng của vua Lê Thuần Tông. Vua Lê Hiển Tông sinh năm Bính Thân (1716). Ông lên ngôi vào tháng 5 năm Canh Thân (1740) và băng hà vào tháng 7 năm Bính Ngọ (1787). Cũng theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư” thì trong lịch sử các triều đại phong kiến ở Việt Nam, Lê Hiển Tông là một trong ba ông vua đã phát hành nhiều loại tiền nhất. Còn theo cuốn “Vua chúa Việt Nam” của tác giả Bùi Thiết thì tất cả những đồng tiền do vua Lê Hiển Tông cho phát hành cũng đều chung 2 đặc điểm là: Có niên hiệu Cảnh Hưng ở một trong hai mặt của đồng tiền và nó được đúc bằng đồng thau. Còn sự khác nhau giữa các đồng tiền này là ở mệnh giá; kích thước to hoặc nhỏ; hình dáng dày hay mỏng; số lượng chữ Hán được đúc trên hai mặt của đồng tiền đều có cùng nội dung và cách đọc.   Trong số 28 loại tiền đồng do vua Lê Hiển Tông cho phát hành đồng thời được sưu tầm, lưu giữ đến ngày nay, thì chỉ riêng đồng “Cảnh Hưng Thông Bảo” đã có hàng chục loại khác nhau nhưng giống nhau về tên gọi. Cũng theo cuốn “Đại Việt sử ký toàn thư”, đồng tiền Cảnh Hưng được phát hành sớm nhất của nhà hậu Lê là đồng “Cảnh Hưng Thông Bảo”. Một mặt của đồng tiền này có đúc hai chữ Canh Thân, tức là năm Lê Hiển Tông lên nối ngôi (1740) và lấy niên hiệu là Cảnh Hưng.Chính từ chi tiết trên đây cho phép chúng ta đưa ra liên tưởng thú vị là: Nếu bài thơ trên được các tác giả dân gian sáng tác ngay từ năm Cảnh Hưng thứ nhất, tức là năm 1740, thì đến năm Mậu Tý này, bài ca dao trên đã tồn tại được 268 năm. Nói một cách khác là bài ca dao trên đã được 268 tuổi. Dẫu sao thì những suy nghĩ trên đây cũng mới chỉ là ý kiến cá nhân của tác giả và nó được xuất phát từ sự liên tưởng dựa trên cơ sở của một chi tiết được nhắc tới trong bài ca dao này. Vì vậy, tác giả và tòa soạn rất mong nhận được ý kiến góp ý của các bậc tiền bối và đông đảo bạn đọc gần xa.         Diệp Viên
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=498
Quay lên trên