Tin giả, hậu quả thật! – Bài 2

Cập nhật: 13-08-2021 | 09:52:32

 

Bài 2: Cảnh giác trước tin giả

Thời gian gần đây, thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với phòng nghiệp vụ Công an tỉnh xử lý nhiều trường hợp thông tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh Covid-19.


Một chủ chủ tài khoản đăng tin không đúng sự thật lên mạng xã hội bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý

Theo số liệu của Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT), từ ngày 7 đến 11-8, Thanh tra sở đã rà soát và phát hiện trên 12 tài khoản đăng tin giả, tin sai sự thật trên mạng xã hội (MXH). Ngành chức năng đã tiến hành xử lý 4 vụ, riêng trong ngày 9-8, ngành chức năng đã xử lý 2 vụ đăng tin sai sự thật liên quan đến dịch bệnh trên MXH. Hiện Thanh tra sở đang tiếp tục tiến hành xác minh thông tin các chủ sở hữu tài khoản còn lại trên MXH. Sau khi xác minh, củng cố hồ sơ Thanh tra sở sẽ phối hợp với phòng nghiệp vụ Công an tỉnh và các địa phương tiến hành xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Ông Phạm Ngọc Tần, Thanh tra viên Sở TT&TT, cho biết: “Có một số người không có kỹ năng nhận biết tin giả, không tìm hiểu thông tin mà chia sẻ, phát tán, tiếp tay cho tin giả lan truyền. Chúng tôi cho rằng cần quan tâm giúp họ nhận thức đúng đắn, nâng cao trách nhiệm cá nhân và có kỹ năng để không trở thành nạn nhân của tin giả”. Theo ông Tần, sau khi được Thanh tra Sở TT&TT mời làm việc, một số người đã nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật nên đã tự nguyện tháo gỡ bài viết và cam kết không tái phạm. Đối với các đối tượng cố tình tung tin giả, tin sai sự thật, cơ quan chức năng kiên quyết xử lý vi phạm. Trường hợp nếu có dấu hiệu hình sự sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng xử lý theo thẩm quyền.

Trong khi đó ông Bùi Hữu Hiệp, Chánh Thanh tra Sở TT& TT, cho biết lực lượng Thanh tra Sở TT&TT phối hợp với Công an tỉnh đang rà soát các fanpage, các nhóm có lượt tương tác lớn trên MXH, Facebook, Zalo… và tiến hành làm việc, tuyên truyền các quy định của pháp luật về cung cấp thông tin, nhận diện tin giả… Đề nghị các trang, nhóm, kênh trên MXH tăng cường kiểm duyệt thông tin đăng tải để không phát tán tin giả. Nếu để tin giả, tin sai sự thật lan truyền, cơ quan chức năng kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật.

Ông Hiệp cũng khuyến cáo khi người dân tiếp cận thông tin trên không gian mạng cần tỉnh táo sàng lọc thông tin; tự trang bị kiến thức về pháp luật, xã hội và xem xét kỹ nội dung; so sánh, đối chiếu với những nguồn thông tin khác cũng như với sự việc trên thực tế, xem xét độ tin cậy của số liệu, thời gian, địa điểm, sự kiện; phát hiện những điểm mâu thuẫn, thiếu logic, thiếu cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn, nhận diện rõ các thông tin xuyên tạc, giả mạo. Người dân cần thận trọng khi quyết định chia sẻ thông tin trên không gian mạng để không tiếp tay cho tin giả; tuyệt đối không chia sẻ, lan truyền những thông tin chưa được kiểm chứng, chưa được xác thực. Người dân cần cập nhật thông tin về dịch bệnh và các thông tin khác từ những nguồn chính thống, như: Cổng Thông tin điện tử binhduong. gov.vn, các website của Chính phủ, bộ ngành, sở, ban ngành của tỉnh…; tích cực tham gia phát hiện, tố giác với cơ quan chức năng hoặc thông qua các nhóm cộng đồng trên không gian mạng để cảnh báo về tin giả. Bên cạnh đó, người dân có thể phản ánh tin giả trực tuyến trên cổng thông tin tingia.gov.vn.

"Hiện nay đang rộ lên hiện tượng câu like, câu view, thu hút sự chú ý, trục lợi bất chính của một số cá nhân khi đưa lên mạng xã hội livestream, clip youtube để đưa những thông tin thiếu tính xác thực, chưa được kiểm chứng, phỏng đoán theo quan điểm, nhận thức cá nhân gây hoang mang trong dư luận xã hội, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.

Hành vi này là bất hợp pháp, tùy theo tính chất nghiêm trọng và mức độ thiệt hại mà tin đồn gây ra mà người đưa tin sai sự thật sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, bồi thưởng thiệt hại về mặt dân sự.

Khoản 1 Điều 34 Bộ luật dân sự 2015  danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

Điểm d, khoản 1, Điều 8 Luật An ninh mạng 2018 nghiêm cấm hành vi sử dụng không gian mạng để “thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác”.

Trách nhiệm Hành chính:

Khoản a điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ- CP ngày 03/2/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:

a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;

Trách nhiệm hình sự:

Trường hợp hành vi đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị phải chịu trách nhiệm hình sự. Điều 288  Bộ luật hình sự quy định Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mức phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm tù, phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Trường hợp người đăng tải bài viết, hình ảnh sai sự thật đó nhằm mục đích xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vu khống theo quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự 2015. Theo đó, tùy mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, mà người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 07 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Trách nhiệm dân sự

Về trách nhiệm dân sự, Điều 584 Bộ luật dân sự 2015 thì người nào có hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Các thiệt hại đó bao gồm các thiệt hại về vật chất và cả tinh thần, các thiệt hại thực tế xảy ra, các chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục các thiệt hại đó,…

Đồng thời, người đăng tin sai phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó.

Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì có quyền yêu cầu người đưa thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.

Vì mạng xã hội ngày lan truyền nhanh và dễ tác động đến cộng đồng, người sử dụng mạng xã hội cần tỉnh táo, có chọn lọc và kiểm chứng các thông tin, đảm bảo cho mình độ chính xác và tin cậy của nguồn tin khi dung nạp và sử dụng đăng tin, chia sẻ nguồn tin ấy, tránh thiệt hại cho chính mình, cho người khác cộng đồng và không vi phạm pháp luật".

Luật sư Lê Trần Vân Anh, Giám đốc Công ty Luật TNHH Anh Lê

TÂM TRANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1487
Quay lên trên