Vùng đất miền Trung vốn nhiều khốn khó nay lại hứng thêm cơn bão số 10 với sức gió cấp 11-12, giật cấp 15 khi đổ bộ vào đất liền. Bão số 10 đi qua để lại hậu quả hết sức nặng nề cho các tỉnh từ Quảng Bình đến Thanh Hóa. Trong những ngày này, người dân cả nước lại hướng về các tỉnh miền Trung. Ngay sau khi cơn bão đi qua, Thủ tướng Chính phủ đã hủy cuộc họp để đích thân đến vùng tâm bão chỉ đạo việc khắc phục hậu quả. Các đơn vị quân đội khẩn cấp hành quân từ biên giới Việt - Lào về giúp dân. Người dân các địa phương trong cả nước khởi động việc quyên góp giúp dân các tỉnh bị bão tàn phá…
Theo thống kê ban đầu từ các địa phương, bão số 10 đã làm ít nhất 8 người chết, 21 người bị thương, hơn 130.000 ngôi nhà tốc mái và hư hỏng, hàng ngàn héc-ta cây trồng bị ngập nước. Hệ thống điện, đường, trường, trạm bị tàn phá nặng nề. Trước sự tàn phá khốc liệt của cơn bão số 10, Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn Trung ương và các tỉnh nơi cơn bão số 10 đổ bộ đã có những chỉ đạo quyết liệt với phương châm 4 tại chỗ để kịp thời ổn định đời sống người dân, khôi phục sản xuất và tình hình học tập của học sinh đầu năm học mới. Tuy nhiên, với những mất mát quá lớn do cơn bão số 10 gây ra, người dân các tỉnh miền Trung vẫn cần lắm sự hỗ trợ, giúp đỡ của các tỉnh, thành và người dân trong cả nước.
“Hoạn nạn có nhau” là câu nói cửa miệng được đúc kết từ truyền thống tốt đẹp qua hàng ngàn năm từ ngày dựng nước của dân tộc. Dù ở phố thị hay thôn quê, miền xuôi hay miền ngược, trong hay ngoài nước thì cái tình của người Việt vẫn luôn trỗi dậy, sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau khi có người gặp hoạn nạn, khó khăn. Ngay sau khi cơn bão vừa đi qua, cái tình ấy của người Việt khắp mọi vùng, miền đất nước đã được khởi động. Đó là hình ảnh những vị lãnh đạo cao nhất nước phải hủy các cuộc họp quan trọng để đến vùng tâm bão chỉ đạo khắc phục hậu quả do cơn bão gây ra; là những anh “bộ đội Cụ Hồ” hành quân thâu đêm từ biên giới Việt - Lào về giúp dân vùng bão; là sự vào cuộc của người dân khắp mọi miền đất nước với tinh thần “một miếng khi đói…”. Đó còn là hình ảnh cán bộ, nhân viên các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội trong cả nước vừa phải hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, vừa dành thời gian quyên góp để giúp dân vùng bão.
Tình người sau bão lũ, thiên tai bao giờ cũng để lại những hình ảnh đẹp. Đến thời điểm này, tuy chưa thể hiện cụ thể, rõ ràng, nhưng chỉ vài ngày tới, trên các trang báo chắc chắn sẽ đầy ắp hình ảnh những đoàn từ thiện, doanh nghiệp và cá nhân hảo tâm đến với người dân vùng bão. Lãnh đạo Trung ương và các tỉnh, thành cũng sẽ vào cuộc phát động đợt kêu gọi ủng hộ các tỉnh bị bão tàn phá. Và, khi đó chắc chắn sẽ có thêm những hình ảnh đẹp thể hiện tình người sau cơn bão.
Bão đi qua, nhưng tình người thì ở lại. Người dân vùng bão hãy yên lòng, cả nước sẽ chung lưng cùng dân vùng bão. Bởi đó không chỉ là cái tình của người Việt mà còn là cái tình của khối đại đoàn kết dân tộc. Có như vậy thì khối đại đoàn kết dân tộc mới vững bền, trường tồn cùng thời gian, bồi đắp thêm truyền thống tốt đẹp của người Việt từ ngàn đời nay.
LÊ QUANG