Dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành và lan rộng khắp thế giới, kéo theo đó là những khó khăn làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Nếu không bốc đúng thuốc để chữa trị, nền kinh tế của đất nước sẽ suy yếu, kéo theo đó là các hệ lụy về mặt xã hội. Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Đây được xem là toa thuốc đặc trị để chữa trị “căn bệnh” suy giảm kinh tế thời dịch bệnh.
“Căn bệnh” mà nền kinh tế nói chung đang gánh chịu là sản xuất, kinh doanh đình đốn; dòng vốn chu chuyển chậm, dẫn đến tăng trưởng không đạt mục tiêu đề ra. Đối với DN, đầu vào nguyên liệu thiếu hụt trầm trọng, đầu ra sản phẩm kém, thiếu vốn để tái đầu tư sản xuất, kinh doanh, nợ thuế, nợ lương người lao động… là “căn bệnh” mà nhiều DN đang gồng mình chống chịu. Trong khi đó, tình hình hình dịch bệnh Covid-19 ngày càng lan rộng và kéo dài, làm nhiều DN đang rơi vào tình trạng khó khăn, đặc biệt là các DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch, giáo dục có thể phá sản nếu thiếu sự hỗ trợ kịp thời từ các chính sách vĩ mô của Nhà nước.
Để kịp thời giải quyết khó khăn cho DN, phục hồi sản xuất, kinh doanh, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tập trung thực hiện 7 nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội nhằm ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Trong số 7 nhiệm vụ, giải pháp cấp bách nói trên, đáng chú ý là gói hỗ trợ tín dụng, tài khóa 280.000 tỷ đồng đã được Chính phủ kích hoạt. Trong đó, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng sẵn sàng gói tín dụng khoảng 250.000 tỷ đồng đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh; cải cách thủ tục hành chính nhằm cắt giảm chi phí cho DN; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay... Cùng với đó, Chính phủ tung ra gói hỗ trợ tài khóa 30.000 tỷ đồng, tập trung vào việc miễn, giảm thuế, phí, lệ phí cho DN.
Thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã và đang dồn lực để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn. Tại Bình Dương, các đơn vị liên quan như ngân hàng, thuế, hải quan… cũng đang tiến hành rà soát số DN gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra để đề xuất biện pháp hỗ trợ kịp thời theo chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh về việc thực hiện chỉ thị của Thủ tướng. Với một tỉnh có nhiều DN đầu tư sản xuất, kinh doanh như Bình Dương, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 là không hề nhỏ. Thiệt hại của DN sẽ làm sụt giảm sự tăng trưởng của tỉnh nên Bình Dương sẽ vận dụng tối đa các chủ trương, chính sách và nguồn lực giúp DN vượt qua khó khăn cả trong giai đoạn trước mắt và lâu dài.
“Bệnh” đã được chẩn, “thuốc” đã được kê toa, vấn đề còn lại là thực thi. Để kịp thời giúp DN vượt qua khó khăn, việc thực thi chỉ thị của Thủ tướng cần trơ tru, tránh lây lan vi rút “trì trệ” như Thủ tướng Chính phủ từng cảnh báo
LÊ QUANG