Các chiến sĩ phòng cháy và chữa cháy (PC&CC) được người dân quen gọi là lính cứu hỏa. Mặc dù được gọi là lính cứu hỏa, nhưng đây lại là những người chuyên trị hỏa để cứu tài sản, tính mạng của người khác khi có hỏa hoạn xảy ra. Cứu hỏa đã được thế giới công nhận là một trong những nghề nguy hiểm nhất thế giới. Theo kế hoạch, hôm nay (26-5), Sở Cảnh sát PC&CC tổ chức Đại hội thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” lần thứ nhất giai đoạn 2011- 2015, để tôn vinh những người lính cứu hỏa đã thực hiện tốt công việc, trách nhiệm của mình trên mặt trận PC&CC.
Cứu hỏa là nghề cực kỳ nguy hiểm. Những người theo nghề này phải thường xuyên làm việc trong môi trường nóng bức, độc hại, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Khi “xung trận”, họ phải đối mặt, chiến đấu với những ngọn lửa hung hãn, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và có khi là cả tính mạng của chính bản thân người theo nghề. Bất kỳ vụ hỏa hoạn nào, dù nhỏ hay lớn, cũng có thể đem đến những rủi ro khó lường cho lính cứu hỏa. Thực tế cho thấy, không ít vụ cháy thường kèm theo nổ bởi những vật liệu có khả năng gây nổ khi bị nung nóng. Đối với những vụ cháy lớn, kéo dài thì việc bị mắc kẹt trong đám cháy hay đám khói dày đặc không tìm thấy lối ra là điều tồi tệ nhất đối với người lính cứu hỏa.
Tuy nhiên, cứu hỏa cũng là nghề vinh quang vì được xã hội tôn vinh. Sở dĩ nghề này được xã hội đề cao là vì có công bảo vệ tính mạng và tài sản cho người khác khi có hỏa hoạn xảy ra. Lính cứu hỏa khi làm nhiệm vụ cũng như người lính ra trận, sẵn sàng hy sinh hạnh phúc riêng tư và tính mạng của chính mình để bảo toàn hạnh phúc và tính mạng của người khác. Thực tế tại Việt Nam cũng đã có rất nhiều tấm gương lính cứu hỏa anh dũng hy sinh khi lao vào ngọn lửa dữ để cứu người bị nạn. Bên cạnh trị hỏa cứu người, lính cứu hỏa còn là những người cứu hộ, cứu nạn trong nhiều trường hợp khác nhau. Họ sẵn sàng xông vào những nơi nguy hiểm nhất để cứu người bị nạn khi có sự cố xảy ra, cho dù người bị nạn được xác định là đã chết từ trước đó.
Nguy hiểm nhưng vinh quang, nên những ai đã xác định theo nghề cứu hỏa đều làm tốt công việc được giao. Để trụ được với nghề, lính cứu hỏa phải có sức khỏe dẻo dai, thái độ hợp tác tốt và tinh thần chịu đựng cao. Do vậy, ngoài công việc chính là dập hỏa cứu người, họ còn phải thường xuyên tập luyện thể lực và thực hành những bài tập về sự phối hợp làm việc theo nhóm. Nhiều người lính cứu hỏa khi mới vào nghề còn phải tập làm quen dần với chuyện ăn, chuyện ngủ vì phải trực chiến liên tục 24/24 giờ suốt 7 ngày trong tuần, 12 tháng trong năm…
Mặc dù nguy hiểm và luôn trong tình trạng căng thẳng, nhưng đối với lính cứu hỏa, tất cả đều bình thường một khi đã dấn thân theo nghề. Cũng như bao nghề khác, tôn vinh những người lính cứu hỏa làm tốt nhiệm vụ là chuyện tất nhiên. Điều đáng nói là bên cạnh những tấm gương lính cứu hỏa được tôn vinh đợt này, tất cả những người lính cứu hỏa còn lại đều xứng đáng được tôn vinh vì đã dám dấn thân theo nghề nguy hiểm này.
LÊ QUANG