Bảo tàng tỉnh Bình Dương hiện đang lưu giữ hàng trăm ngàn tiêu bản hiện vật khảo cổ. Những di vật hàng ngàn năm bị chôn vùi dưới lòng đất, gần như vô tri vô giác đã cho biết rất nhiều điều về đời sống của người xưa trên mảnh đất Bình Dương hôm nay.
Đời sống kinh tế
Hoạt động kinh tế chủ yếu của người tiền sử ở Bình Dương là hoạt động nông nghiệp. Việc tìm thấy rất nhiều công cụ sản xuất ở tất cả các di tích tiền sử như dạng rìu, cuốc nhiều kích thước khác nhau, cho ta hình dung được người tiền sử đã sử dụng chúng để khai phá đất đai trồng trọt. Ngoài ra trong các di tích khảo cổ còn tìm thấy hơn trăm ngàn mảnh gốm từ nhiều loại hình khác nhau và nhiều kích thước khác nhau như bình, hũ, chum, vò… có những cái rất to có thể là đồ đựng lương thực, thực phẩm để sử dụng và dự trữ. Trong không gian sinh sống giữa hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới, rừng núi bạt ngàn nhiều chim, thú; sông suối nhiều cá, tôm… thì việc khai thác nguồn lương thực tự nhiên cũng chiếm vị trí không kém phần quan trọng trong cuộc sống lao động sản xuất như săn bắt thú rừng, đánh bắt cá, hái lượm rau quả, đào củ rừng… Các loại vũ khí được tìm thấy như mũi lao, mũi giáo, mũi tên và hàng trăm hòn bi bằng đất nung có hầu hết ở các di tích khảo cổ, ngoài ra ở các di tích như Cù lao Rùa, di tích Phú Chánh còn phát hiện một ít xương và răng thú rừng như hươu, nai, voi… là những vật chứng hết sức thuyết phục cho hoạt động săn bắt, hái lượm của người xưa.
Để cung cấp các loại công cụ sản xuất, vũ khí và các loại đồ dùng sinh hoạt phục vụ đời sống, người xưa phải chủ động phát triển các ngành nghề thủ công như chế tác công cụ, xe sợi dệt vải, sản xuất đồ gốm, đúc đồng, làm đồ trang sức… và dường như đã có sự chuyên môn hóa ngành nghề sản xuất trong xã hội của người tiền sử. Ví dụ ở di tích Dốc Chùa có hơn 400 dọi xe sợi, hàng chục quả cân cùng rất nhiều khuôn đúc đồng và hiện vật đồng mà các di tích khác không có. Ở di tích Cù lao Rùa, di vật nổi bật là có hơn 100 ngàn mảnh gốm đủ các loại hình, đủ mọi kích thước, có thể đây là nơi sản xuất đồ đất nung? Di tích Mỹ Lộc có một loại hình di vật nổi bật với số lượng đáng kể là bàn mài, có đến hơn ngàn bàn mài các loại, đặc biệt là bàn mài có kích thước to rất nhiều cùng nhiều công cụ như rìu, cuốc chưa được mài nhẵn. Như vậy, cùng với Cù lao Rùa, có thể đây là nơi tập trung chế tác các loại công cụ đá ở công đoạn mài. Di tích Hàn Ông Đại và Hàn Ông Đụng nổi bật là hàng ngàn mảnh tước đá ken dày, có thể đây là nơi tập trung chế tác các loại công cụ đá ở công đoạn ghè, đẽo?
Về giao thông, đường thủy là hệ thống giao thông thuận lợi nhất của cư dân cổ xưa. Phương tiện chủ yếu có thể là thuyền và bè. Với cây gỗ rừng và tre nứa tự nhiên là nguồn vật liệu phong phú cho việc làm thuyền, kết bè. Số lượng rìu đủ kiểu, to nhỏ khác nhau, các loại công cụ dạng đục, dùi… rất nhiều trong hầu hết các di tích, với chức năng của các loại công cụ kể trên có thể minh chứng cho việc người xưa dùng để chặt cây đẽo gỗ làm thuyền, làm bè để di chuyển, vận chuyển lương thực, thực phẩm và có thể vận chuyển các sản phẩm thủ công trao đổi với nhau.
Đời sống xã hội
Thời tiền sử đã có sự phân cấp xã hội. Ở di tích Cù lao Rùa với hai tầng văn hóa được xác định cách nay khoảng từ 3.000 đến 3.500 năm, các nhà khảo cổ đã phát hiện một khu mộ táng mà hầu hết là có cùng đặc điểm chung và đồ tùy táng như nhau là một số đồ dùng sinh hoạt và công cụ lao động. Nhưng có một vài ngôi mộ đồ tùy táng có những hiện vật to hơn và đẹp hơn nhiều mộ khác. Điều đó có thể là sự phân biệt vị thế của người chết trong mộ, là tín hiệu ban đầu của sự phân tầng xã hội? Di tích Dốc Chùa có niên đại muộn hơn di tích Cù lao Rùa cách nay khoảng từ 2.500 đến 3.000 năm. Ở đây, các nhà khảo cổ phát hiện được hàng chục ngôi mộ với sự khác nhau về số lượng, chất liệu, kích thước di vật chôn theo. Điều đó khẳng định một lần nữa việc phân cấp xã hội trong cộng đồng này. Đến thời sơ sử, đại diện là di tích Phú Chánh thì sự phân chia giai cấp rất rõ ràng. Ở đây có hàng loạt ngôi mộ với nhiều kiểu táng khác nhau. Một trong những kiểu táng ở di tích này là dùng áo quan bằng chum gỗ sử dụng trống đồng làm nắp đậy, đặt đồ tùy táng trong lòng chum. Táng thức này có thể dành cho người có vị trí cao nhất trong cộng đồng. Táng thức thứ hai ở di tích Phú Chánh là không có chum gỗ mà chỉ có trống đồng có đồ tùy táng bên trong và sử dụng cọc gỗ cắm xung quanh. Táng thức thứ ba là chỉ cắm cọc gỗ vòng tròn. Táng thức thứ tư là cắm cọc gỗ vòng tròn có giỏ tre đan hình chum đặt dưới mộ. Táng thức thứ năm chỉ nén chặt đất dạng hình chum đặt đồ tùy táng ở giữa. Từ 5 kiểu kết cấu mộ táng và sự khác nhau về số lượng, chất liệu, kích thước của đồ tùy táng trong từng ngôi mộ là một sự phân biệt giai tầng xã hội thật rõ nét trong cộng đồng cư dân ở đây.
Bức tranh về đời sống của “Người Bình Dương” ngàn năm trước đã được phác họa. Quả thật, họ, “Người Bình Dương” cổ xưa đã có một trình độ nhất định về tư duy và kỹ thuật trong việc tạo dựng và tổ chức cuộc sống. Nhìn lại tiền nhân, mỗi một người Bình Dương hôm nay hãy nỗ lực hơn nữa để tạo cho mình một cuộc sống sung túc trong xã hội hiện đại, một xã hội cách người xưa hơn 3.500 năm lịch sử.
ĐÔNG KỲ