Trả lời pháp luật

Cập nhật: 06-01-2014 | 00:00:00

Hỏi: Quốc hội vừa ban hành Hiến pháp mới, trong đó có quy định về quyền con người. Xin cho biết thêm về quy định này?

Lê Văn N. (huyện Bến Cát)

Trả lời: Quốc hội đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 28-11-2013 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2014. Điểm mới đáng lưu ý của Hiến pháp năm 2013 là Chương II quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, cụ thể tại Điều 14 quy định:

- Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.

- Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Như vậy, việc bố cục quyền con người ở Chương II đã thể hiện tầm quan trọng của chương về quyền con người. Điều đó khẳng định Nhà nước cam kết bảo đảm, bảo vệ, tôn trọng quyền con người, quyền công dân đúng như những công ước quốc tế mà nước ta đã là thành viên.

Hỏi: Hiến pháp vừa được Quốc hội thông qua quy định như thế nào về vấn đề kinh tế?

Nguyễn Đăng D. (TP.Thủ Dầu Một)

Trả lời: Chương 3 của Hiến pháp năm 2013 nói về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường. Trong đó, Điều 51 của Hiến pháp đã khẳng định nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế đều bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật.

Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước. Đây là điểm rất quan trọng. Ngoài ra, chương này còn nói rõ tài sản hợp pháp của cá nhân, các nhà đầu tư, các nhà kinh doanh đều được Nhà nước bảo hộ và không bị quốc hữu hóa. Đây là quyền thiêng liêng mà Hiến pháp năm 2013 cũng đã ghi nhận.

Hỏi: Tôi muốn biết thêm quy định về Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán Nhà nước theo Hiến pháp năm 2013?

Nguyễn Hữu T. (TX.Dĩ An)

Trả lời: Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán Nhà nước được quy định tại Chương X, là một chương hoàn toàn mới, cụ thể quy định như sau:

Hội đồng bầu cử quốc gia là cơ quan do Quốc hội thành lập, có nhiệm vụ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội; chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp. Hội đồng bầu cử quốc gia gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng bầu cử quốc gia và số lượng thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia do luật định.

Kiểm toán Nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Tổng Kiểm toán Nhà nước là người đứng đầu Kiểm toán Nhà nước, do Quốc hội bầu. Nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán Nhà nước do luật định. Tổng Kiểm toán Nhà nước chịu trách nhiệm và báo cáo kết quả kiểm toán, báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp, chịu trách nhiệm và báo cáo trước Ủy ban thường vụ Quốc hội. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Kiểm toán Nhà nước do luật định.

SỞ TƯ PHÁP BÌNH DƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=308
Quay lên trên