Người đang thi hành án tù giam bị nhiễm AIDS sẽ được tại ngoại

Cập nhật: 04-01-2014 | 00:00:00

Tổng kết công tác thi hành án (THA) năm 2013, đối với hướng dẫn về thủ tục hoãn chấp hành hình phạt tù (HPT) trong trường hợp người bị xử phạt tù bị nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS, hiện có nhiều cách hiểu khác nhau cần sự thống nhất 

 Ảnh minh họa

 Theo quy định tại khoản 1 Điều 61 Bộ luật Hình sự (BLHS), có 4 trường hợp người bị xử phạt tù (NBXPT) có thể được hoãn chấp hành hình phạt. Trong đó, có căn cứ NBXPT bị bệnh nặng được hoãn cho đến khi sức khỏe được hồi phục. Bên cạnh đó, quy định về căn cứ tạm đình chỉ chấp hành HPT tại khoản 1 Điều 62 BLHS cũng đã dẫn chiếu đến các căn cứ được quy định tại khoản 1 Điều 61 BLHS. Như vậy, theo quy định của BLHS, thì trong trường hợp NBXPT bị bệnh nặng thì nếu họ chưa chấp hành hình phạt thì được hoãn; còn nếu họ đang chấp hành hình phạt thì được tạm đình chỉ chấp hành cho đến khi sức khỏe được hồi phục. Hai thủ tục này không phân biệt loại bệnh mà NBXPT mắc phải.

Tuy nhiên, trong trường hợp NBXPT bị bệnh nặng thuộc trường hợp bị nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS, thì hướng dẫn thủ tục làm hồ sơ cho họ được hoãn chấp hành HPT lại không giống như trong trường hợp cho tạm đình chỉ thi hành HPT. Cụ thể như sau:

Đối với việc xác định NBXPT bị bệnh nặng để được hoãn chấp hành HPT, điểm a tiểu mục 7.1 Mục 7 Nghị quyết số 01/2007/ NQ-HĐTP ngày 2-10-2007 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân (TAND) tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt (Nghị quyết số 01/2007) quy định “người bị bệnh nặng” là người “bị bệnh đến mức không thể đi chấp hành HPT được và nếu bắt đi chấp hành HPT sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ; do đó, cần thiết phải cho họ được hoãn chấp hành HPT để họ có điều kiện chữa bệnh; ví dụ: ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ chướng, lao nặng độ 4 kháng thuốc, bại liệt, suy tim độ 3 trở lên, suy thận độ 4 trở lên, HIV chuyển giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội và có tiên lượng xấu... Phải có kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên về việc NBXPT bị bệnh nặng và nếu bắt họ đi chấp hành hình phạt tù sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ”.

Với hướng dẫn này thì để được hoãn thi hành HPT, NBXPT phải đáp ứng 2 điều kiện: (1) Người bị bệnh đến mức không thể đi chấp hành HPT được và nếu bắt đi chấp hành HPT sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ. (2) NBXPT phải có kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên về tình trạng bệnh của họ và nếu bắt họ đi chấp hành HPT sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ.

Đối với việc xác định NBXPT bị bệnh nặng để được tạm đình chỉ chấp hành HPT, Mục 2 Thông tư liên tịch số 02/2006 ngày 18-5- 2006 hướng dẫn thi hành một số quy định của pháp luật về tạm đình chỉ chấp hành HPT đối với người đang chấp hành HPT bị bệnh nặng (TTLT số 02/2006) quy định: “2.1. Người đang chấp hành HPT có thể được tạm đình chỉ chấp hành HPT trong trường hợp bị bệnh nặng. Người đang chấp hành HPT bị bệnh nặng là người bị bệnh đến mức không thể tiếp tục chấp hành HPT được và nếu để tiếp tục chấp hành HPT sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ; do đó, cần thiết phải cho họ được tạm đình chỉ chấp hành HPT để họ có điều kiện chữa bệnh; ví dụ như: ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ trướng, lao nặng độ 4 kháng thuốc, bại liệt, suy tim độ 3 trở lên, suy thận độ 4 trở lên, HIV chuyển giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội và có tiên lượng xấu... 2.2. Phải có kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên về việc người đang chấp hành HPT bị bệnh nặng và nếu để họ tiếp tục chấp hành HPT sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ...”.

Như vậy, với 2 quy định trên, điều kiện để NBXPT được tạm đình chỉ THA phạt tù cũng tương tự như điều kiện để NBXPT được tạm đình chỉ THA phạt tù khi họ bị bệnh nặng.

Tuy nhiên, trường hợp NBXPT bị bệnh nặng do bị nhiễm HIV chuyển giai đoạn AIDS thì theo điểm b tiểu mục 3.1 Mục 3 TTLT số 02/2006 quy định trong hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ chấp hành HPT “chỉ cần kết quả xét nghiệm bị nhiễm HIV theo quy định của Bộ Y tế và trong hồ sơ bệnh án phải xác định rõ là đang có các nhiễm trùng cơ hội và có tiên lượng xấu”. Trong khi đó, Nghị quyết số 01/2007 lại không quy định về thủ tục này nên trong thực tiễn khi xem xét cho NBXPT được hoãn chấp hành HPT khi họ bị HIV chuyển sang giai đoạn AIDS gặp khó khăn.

Vấn đề này được thể hiện qua tình huống thực tế như sau: Nguyễn Văn B bị TAND thị xã T, tỉnh A xử phạt 2 năm tù về tội “Trộm cắp tài sản” theo bản án hình sự sơ thẩm số 57/2013/HSST ngày 10-8-2013. B được tại ngoại trong cả quá trình giải quyết vụ án. Do không có kháng cáo, kháng nghị nên đến ngày 10-9-2013, bản án sơ thẩm nêu trên có hiệu lực pháp luật. Vào ngày 11-9-2013, TAND thị xã T nhận đơn xin hoãn THA đề ngày 11-9-2013 của B. Nội dung đơn thể hiện, B đang điều trị bệnh HIV (giai đoạn cuối), lao, phong tê thấp. Sức khỏe hiện nay của người bị kết án rất kém do sốt nhiều, giảm cân, cổ đau nhức, đi đứng khó khăn nên không thể chấp hành hình phạt theo quyết định THA của TA. Vì vậy, B xin hoãn THA để điều trị bệnh và cam đoan không vi phạm pháp luật. Trong hồ sơ xin hoãn THA của B có các tài liệu bao gồm: hồ sơ bệnh án điều trị bệnh tại Bệnh viện Đa khoa T và Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh A; thông báo kết quả xét nghiệm HIV ngày 17-9-2007 của Trung tâm phòng chống HIV/ AIDS và lao thuộc Sở Y tế tỉnh A và Giấy xác nhận ngày 26-12-2011 của Trung tâm Y tế thị xã T; trong đó, hồ sơ bệnh án của B điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh A kết luận B bị nhiễm HIV, đang có các nhiễm trùng cơ hội và có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Căn cứ vào hướng dẫn tại điểm a tiểu mục 7.1 Mục 7 Nghị quyết số 01/2007, do B không cung cấp kết luận của bệnh viện cấp tỉnh về mức độ bệnh của B và nếu bắt B đi chấp hành HPT sẽ nguy hiểm đến tính mạng của B nên TA không chấp nhận đơn xin hoãn THA của B. TAND thị xã T đã ban hành quyết định THA phạt tù đối với B. Sau khi bị đưa đi THA, theo hướng dẫn của Trại giam Công an tỉnh A, B làm đơn xin tạm đình chỉ chấp hành HPT để điều trị bệnh, hồ sơ xin tạm đình chỉ chấp hành HPT của B cũng có các tài liệu như đã nộp xin hoãn chấp hành HPT. Do B có đủ điều kiện để tạm đình chỉ chấp hành HPT theo quy định tại TTLT số 02/2006 nên đơn xin tạm đình chỉ chấp hành HPT của B được chấp nhận.

Qua tình huống trên, cho thấy rằng quy định của BLHS về điều kiện hoãn và tạm đình chỉ THA phạt tù là giống nhau. Tuy nhiên, do văn bản hướng dẫn áp dụng từng loại về thủ tục (hoãn và tạm đình chỉ) khác nhau nên gây phức tạp trong việc áp dụng và tốn kém không đáng có.

 NGUYỆT MINH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=335
Quay lên trên