Rối rắm chuyện ly hôn

Cập nhật: 03-01-2014 | 00:00:00

Sau một năm “ngồi tòa”, nhiều thẩm phán nhìn nhận đối với các vụ án “không công nhận hôn nhân hợp pháp” hiện lúng túng khi phải giải quyết các vấn đề tranh chấp về tài sản chung, tài sản riêng, nợ chung, nợ riêng.

Theo Nghị quyết 35/2000/QH10, kể từ ngày 1-1-2001 trở đi, nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, đều không được pháp luật công nhận là vợ chồng; nếu có yêu cầu ly hôn thì tòa án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng; nếu có yêu cầu về con và tài sản thì tòa án áp dụng khoản 2 và khoản 3 Điều 17 của Luật Hôn nhân và Gia đình (HN&GĐ) năm 2000 để giải quyết.

Tuy nhiên, nhiều bản án ở “phần xét thấy” mặc dù có lập luận không công nhận là vợ chồng, nhưng vẫn thói quen sử dụng cụm từ vợ chồng, ly hôn, thời kỳ hôn nhân khi phân tích các sự kiện. Thậm chí vẫn trích dẫn điều luật quy định giải quyết về tài sản chung vợ chồng trong Luật HN&GĐ để giải quyết; hoặc không thể hiện rõ được các quy định của Bộ luật Dân sự (BLDS) để xác định tài sản chung, tài sản riêng, nợ chung, nợ riêng và cách phân chia để bảo đảm quy định tại Điều 17 Luật HN&GĐ.

Đơn cử trường hợp: Năm 1990, bà Phấn và ông Cầu được gia đình tổ chức lễ cưới nhưng không đăng ký kết hôn. Quá trình chung sống hai bên đã có 2 con chung. Năm 1992, gia đình ông Cầu cho ông bà ra ở riêng trên một mảnh đất của gia đình và ông bà dựng nhà lá để ở, quá trình chung sống có cải tạo nhà, trồng cây ăn trái, mua sắm vật dụng gia đình. Năm 2009, do mâu thuẫn trầm trọng, ông bà có đơn xin ly hôn nhưng không thống nhất được việc phân chia tài sản là nhà, đất nêu trên. Ông Cầu cho rằng là tài sản riêng của ông vì cha mẹ cho riêng và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cấp năm 2004 đứng tên ông, không có tên bà Phấn. Còn bà Phấn xác định là được cha mẹ ông Cầu cho chung nên là tài sản chung và yêu cầu tòa án giải quyết.

Bản án sơ thẩm quyết định không công nhận là vợ chồng, nhưng ở “phần xét thấy” của bản án lại vẫn sử dụng cụm từ vợ chồng, ly hôn như: “Về phần nợ: trong thời gian chung sống vợ chồng…”; “Xét thấy khi ly hôn đất vườn ông Cầu được quản lý sử dụng”; vẫn vận dụng các quy định giải quyết về tài sản chung, tài sản riêng của trường hợp ly hôn trong Luật HN&GĐ như “…Theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Luật HN&GĐ năm 2000 quy định tài sản riêng của vợ chồng bao gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn, tài sản được thừa kế riêng hoặc tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân…”. Bản án nêu nhận xét vì không được công nhận là vợ chồng nên đất là cha mẹ ông Cầu cho riêng ông Cầu, không phải tài sản chung của vợ chồng nên ông được sở hữu nhà (do 2 bên xây, nên là tài sản chung và mỗi bên được 1/2) và thanh toán cho bà Phấn 1/2 giá trị nhà.

Bản án phúc thẩm phần trích yếu vẫn ghi “V/v xin ly hôn”; phần xét thấy nhận xét “Tòa án cấp sơ thẩm không công nhận là vợ chồng là có căn cứ”, nhưng lại ghi “…Xét thấy đây là tài sản chung được cha mẹ ông Cầu cho vợ chồng ông trong thời kỳ hôn nhân nên được xem là tài sản của vợ chồng. Ông Cầu cho rằng đây là tài sản được cha mẹ cho riêng nhưng ông không chứng minh được việc cho riêng trong thời kỳ hôn nhân nên không có cơ sở chấp nhận vì theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Luật HN&GĐ… ông Cầu cũng không chứng minh được phần đất trong GCNQSD đất cho ông là tài sản riêng nên căn cứ và Điều 27 Luật HN&GĐ thì quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung vợ chồng…”.

Trong vụ án trên (còn thấy ở nhiều vụ án tương tự nội dung), theo nhiều thẩm phán, khi đã xác định quan hệ của họ không được công nhận là vợ chồng, thì bản án không nên sử dụng từ vợ chồng, thời kỳ hôn nhân… nữa, mà có thể sử dụng cách viết khác như ông bà, thời gian cùng chung sống, tài sản tạo lập trong thời gian sống chung… Về tài sản chung, không phải trường hợp áp dụng Điều 27 Luật HN&GĐ xác định tài sản tranh chấp có phải tài sản chung của vợ chồng hay không cũng như các Điều luật khác để xác định tài sản chung, tài sản riêng…; mà chỉ có căn cứ theo các quy định tại BLDS về sở hữu chung (căn cứ xác lập tài sản chung như được tặng cho chung, cùng đóng góp công sức để tạo lập… Điều 214, 215, 216 BLDS năm 2005) và phân chia tài sản chung theo các quy định của BLDS (Điều 224) và Điều 17 Luật HN&GĐ mà thôi.

 NGUYỆT MINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=254
Quay lên trên