“Rối” với chuyện vay, trả nợ!

Cập nhật: 04-01-2014 | 00:00:00

 Nguyễn Văn A muốn mua chiếc ô tô vận tải để làm ăn nhưng không có đủ tiền để mua. A đặt vấn đề này với B là chủ một salon xe ô tô ở địa phương về nguyện vọng của mình thì được B giới thiệu ngân hàng thương mại cổ phần C (ngân hàng C) có thể chấp nhận cho A vay tiền.

A đến ngân hàng C đặt vấn đề và được ngân hàng C đồng ý cho vay để mua xe ô tô tải tại salon của B, với số tiền bằng 70% giá trị xe ô tô, với điều kiện sau khi hoàn thành thủ tục đăng ký xe ô tô, A phải thế chấp giấy tờ xe cho ngân hàng để bảo đảm khoản vay trên. A chấp nhận và tiến hành ký hợp đồng tín dụng với ngân hàng C. Theo cam kết hợp đồng tín dụng giữa A với ngân hàng C thì ngân hàng C sẽ chuyển cho B số tiền theo thỏa thuận giữa ngân hàng C và A để B bán xe ô tô cho A (A tự trả 30% giá trị xe ô tô); trong thời hạn 1 tuần kể từ ngày hoàn tất thủ tục đăng ký tại các cơ quan có thẩm quyền, A phải đem toàn bộ giấy tờ đăng ký xe ô tô đứng tên A đến thế chấp tại ngân hàng C.

Sau khi thực hiện hợp đồng, A đã nhận xe và hoàn thành thủ tục đăng ký xe ô tô, nhưng A không mang giấy tờ xe đến cho ngân hàng C như cam kết. Ngân hàng C cho người đến gặp A yêu cầu A thực hiện cam kết hợp đồng, A hứa hẹn sẽ mang giấy tờ đến nhưng không thực hiện. Sau một thời gian sử dụng, A đã bán lại xe ô tô cho D. Ngân hàng C đến gặp A đòi giấy tờ xe thì A nói là do kẹt tiền đã bán xe ô tô này cho D, ngân hàng C đòi A trả tiền vay và lãi vay, A hứa trả nhưng không trả mà bỏ trốn khỏi nơi cư trú. Tuy chưa hết thời hạn cho vay nhưng ngân hàng C gửi đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng cho rằng A có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Vụ việc trên có rất nhiều ý kiến khác nhau, trong đó tập trung vào 2 quan điểm sau:

Quan điểm thứ nhất: Nguyễn Văn A phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo Điều 140 Bộ luật Hình sự. Hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thể hiện: trên cơ sở thỏa thuận, cam kết giữa chủ sở hữu tài sản và người có hành vi chiếm đoạt, thông qua các hình thức vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận tài sản của người khác thông qua hợp đồng, sau đó người nhận tài sản không thực hiện cam kết như đã thỏa thuận và bỏ trốn…

Trong trường hợp này, A đã không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng tín dụng đã ký với ngân hàng C là: sau khi ngân hàng chuyển tiền cho A vay để mua ô tô, trong vòng 1 tuần từ khi hoàn tất thủ tục đăng ký chiếc xe ô tô, A phải mang toàn bộ giấy tờ này cho ngân hàng C; sau thời gian sử dụng, A đã bán xe ô tô cho D, không trả tiền ngân hàng và có hành vi bỏ trốn. Vì vậy, A phạm tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Quan điểm thứ hai: Hành vi của Nguyễn Văn A không cấu thành tội phạm hình sự. Vụ việc trên chỉ là quan hệ tranh chấp dân sự. Lý do: Giữa A và ngân hàng C giao kết hợp đồng tín dụng, A chưa có hành vi nào thể hiện có dấu hiệu chiếm đoạt số tiền vay này và cũng chưa hết thời hạn ngân hàng cho A vay tiền theo thỏa thuận. A vay tiền của ngân hàng C để mua xe ô tô tải thông qua hợp đồng tín dụng với thỏa thuận sau khi có giấy tờ xe sẽ mang thế chấp cho ngân hàng để bảo đảm khoản vay này, nhưng A đã không thực hiện mà sau một thời gian sử dụng đã bán xe cho D rồi bỏ trốn. Những dấu hiệu này vẫn chưa đủ để quy kết Nguyễn Văn A phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Bởi theo hợp đồng giữa hai bên thì thời hạn cho vay chưa hết nên ngân hàng C chưa thể đòi nợ A được. Việc A không thực hiện thế chấp giấy tờ xe chỉ là vi phạm về điều khoản thế chấp mà thôi, nên ngân hàng có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án hủy hợp đồng tín dụng nêu trên.

MINH TRÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=435
Quay lên trên