Trách nhiệm của người đang sống

Cập nhật: 27-07-2019 | 07:52:47

 Tháng 7 về, cũng là dịp để nhân dân khắp nơi trên cả nước tổ chức các hoạt động tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã không tiếc máu xương hy sinh vì nền hòa bình, độc lập của dân tộc; chăm lo cho các gia đình thương bệnh binh, người có công với cách mạng. Đó cũng là truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, là giá trị đạo đức cốt lõi, là lối ứng xử mang đậm tính nhân văn cao đẹp của dân tộc Việt Nam từ bao đời nay.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Công trạng to lớn của các liệt sĩ đã ghi sâu vào lòng toàn dân và non sông đất nước. Máu nóng của các liệt sĩ đã nhuộm lá Quốc kỳ vẻ vang càng thêm thắm đỏ. Tiếng thơm của các liệt sĩ sẽ muôn đời lưu truyền sử xanh”. Và, trước lúc đi xa, Bác vẫn luôn canh cánh trong lòng về công tác đền ơn đáp nghĩa đối với thương binh và gia đình liệt sĩ. Người căn dặn: “Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước của nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”.

Thực hiện lời căn dặn và kế thừa tư tưởng nhân văn cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thương binh, liệt sĩ cũng như tấm gương của Người trong công tác thương binh, liệt sĩ, trong nhiều năm qua Đảng và Nhà nước đã cụ thể hóa thành nhiều chương trình, chính sách chăm lo, giúp đỡ thương binh, liệt sĩ và thân nhân, người có công với cách mạng. Tại Bình Dương, công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể chú trọng thực hiện qua nhiều chương trình cụ thể, thiết thực. Song song đó, công tác xã hội hóa “Đền ơn đáp nghĩa”, ngoài việc đã huy động thêm nhiều nguồn lực để chăm lo cho gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công, còn làm cho các giá trị nhân văn lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng xã hội. Những công trình tưởng niệm, tri ân; những chương trình chăm lo nhân dịp lễ, tết; những căn nhà tình nghĩa, nhà đồng đội; đặc biệt là việc giải quyết chế độ chính sách cho gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công đã phần nào xoa dịu những đau thương mất mát do chiến tranh gây nên...

Song hành với sự phát triển ngày càng giàu đẹp của quê hương, đất nước, lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Làm cho thương binh, gia đình liệt sĩ được “yên ổn về vật chất, vui vẻ về tinh thần và có dịp tham gia hoạt động ích lợi cho xã hội” đã và vẫn đang được toàn Đảng, toàn dân tiếp tục quan tâm, thực hiện bằng những chương trình, việc làm cụ thể. Đó cũng là tình cảm, trách nhiệm và nghĩa vụ của những người đang được sống trên đất nước Việt Nam độc lập, hòa bình, thống nhất hôm nay.

 THÀNH SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=588
Quay lên trên