Ngay tại hội trường dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 của ngành Công thương tổ chức ngày 15-1 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị định 08 cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh, khoảng 55% trong tổng số 1.216 điều kiện kinh doanh mà Bộ Công thương quản lý.
Việc cắt giảm hơn một nửa điều kiện kinh doanh theo quy định của Bộ Công thương được doanh nghiệp và người dân đồng tình. Tuy nhiên, doanh nghiệp và người dân vẫn kỳ vọng nhiều hơn nữa trong việc cắt giảm điều kiện kinh doanh không chỉ của ngành Công thương mà còn của các bộ, ngành khác. Các chuyên gia kinh tế ủng hộ chủ trương của Chính phủ việc cắt giảm tối đa điều kiện kinh doanh, đặc biệt là các điều kiện làm gia tăng chi phí gia nhập thị trường và giảm tiềm năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Vấn đề quan trọng đặt ra là làm thế nào để hạn chế được tình trạng “phục hồi” các thủ tục, điều kiện kinh doanh đã từng được cắt giảm và đơn giản hóa từ trước đó. Có như vậy mới thể hiện sự nhất quán, ổn định trong cơ chế chính sách và phương pháp điều hành. Để phòng ngừa việc tái lập các thủ tục, điều kiện kinh doanh không đáng có, điều kiện đầu tiên và tiên quyết chính là thay đổi tư duy và cách thức quản lý. Tuyệt đối tránh việc cứ mỗi khi xã hội, nền kinh tế xuất hiện một hình thức kinh doanh mới, cơ quan quản lý lại cho ra đời hàng loạt các điều kiện kinh doanh, thủ tục rườm rà để quản lý, chi phối. Vì thế, khi các bộ, ngành, địa phương đã xác định cắt bỏ điều kiện kinh doanh thì cần phải có phương thức quản lý, giám sát việc thực thi quy định, tránh tối đa việc tái lập thủ tục, điều kiện kinh doanh. Đây là vấn đề luôn được các nhà đầu tư, doanh nghiệp và dân doanh quan tâm.
Xóa bỏ điều kiện kinh doanh, song song đó cần phải bỏ tư duy quản lý theo các quy định, tiêu chuẩn. Khi đã cắt giảm thủ tục, điều kiện kinh doanh, cơ quan quản lý vừa phải tiến hành xử lý triệt để, vừa phải tạo điều kiện cho các lĩnh vực khác phát triển, làm sao tránh “tái mọc” các điều kiện kinh doanh.
Thiết nghĩ, khi ban hành các điều kiện kinh doanh phải có căn cứ và phải liên tục rà soát, nâng cao chất lượng điều kiện kinh doanh, để khi các quy định cắt giảm đã được ban hành sẽ không “tái mọc” trở lại điều kiện kinh doanh, đúng theo tinh thần Nghị quyết 01 năm 2018 của Chính phủ yêu cầu cải thiện căn bản, tạo chuyển biến mạnh mẽ các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh, cắt giảm, đơn giản hóa 50% các điều kiện kinh doanh hiện hành.
NHẬT HUY