Trước lễ hội “Lái Thiêu – mùa trái chín” năm 2013: Khẩn trương, náo nức!

Cập nhật: 08-06-2013 | 00:00:00

Trong những ngày lễ hội “Lái Thiêu - mùa trái chín” năm 2013 gần kề, có thể nói cả người dân và đơn vị chức năng đều chung tâm trạng náo nức, rộn ràng. Thương hiệu quả ngọt Bình Dương vang xa, du lịch sinh thái Bình Dương trở thành điểm đến của du khách gần xa... là ước nguyện của rất nhiều người dân Đất Thủ.

Khám phá du lịch vườn cây Lái Thiêu hứa hẹn là hoạt động hấp dẫn thu hút du khách gần xa

Rộn ràng trước mùa trái chín

Những ngày này, trên bờ Rạch Búng trở nên thoáng đãng. Không còn hình ảnh lục bình trôi lênh bềnh, dày đặc trên mặt nước như trước kia. Hỏi ra mới biết, cả tuần vừa qua Phòng Kinh tế, UBND TX.Thuận An đã phối hợp với địa phương tiến hành “dọn dẹp” trên bờ dưới rạch, trả lại vẻ thông thoáng cho cảnh quan nơi đây. Trên vỉa hè, các gian hàng trái cây xuất hiện ngày càng nhiều. Theo tìm hiểu, năm nay ngoài các gian hàng cây trái đến từ Lái Thiêu, Hưng Định, An Sơn (TX.Thuận An), Bạch Đằng (Tân Uyên), còn có sự góp mặt của các sản phẩm nông nghiệp đến từ Long An, Đồng Nai và Bến Tre. Anh Trần Văn Nghiệp, công nhân thi công đến từ Kiên Giang bộc bạch: “Dù khá mệt nhưng chúng tôi vẫn cố gắng làm việc để bảo đảm đúng tiến độ. Tôi là người dân miền Tây Nam bộ, nhưng rất muốn tìm hiểu về làng nghề và đặc sản cây trái Bình Dương như thế nào”.

Không tham gia gian hàng ở lễ hội, nhưng không vì vậy mà chị Nguyễn Kim Hương, ấp Hưng Thọ, xã Hưng Định (TX. Thuận An) không nôn nao. Gia đình chị bao đời này sống nhờ vườn măng cụt trĩu trái. Dưới vườn cây xanh mát, mỗi năm đến mùa trái chín, khách quen gần xa lại tìm đến trải chiếu ngồi hàn huyên và thưởng thức vị ngọt trái lành. Những năm gần đây, khách thưa dần, cả khu miệt vườn đều nuối tiếc “một thời vàng son”. Chính vì điều này, lễ hội mùa trái chín năm 2013 đã thắp lên niềm hy vọng cho cả khu Rạch Búng của chị. “Vườn cây Lái Thiêu chúng tôi có tiếng từ lâu nhưng nhiều năm qua khách đến chưa nhiều. Lần này, để chào đón lễ hội, gia đình tôi sửa sang vườn lại cho sạch sẽ, tươm tất. Ngoài việc đến nghỉ ngơi, khách sẽ thưởng thức nhiều món ngon do chính tay vợ chồng tôi làm như: gỏi gà măng cụt, măng cụt bóp tôm, sầu riêng chiên cút…”, chị Hương chia sẻ.

Hứa hẹn những niềm vui

Những ngày qua, đưa đón con đi thi tốt nghiệp THPT qua tuyến ĐT745, mỗi lần qua khu Rạch Búng, chị Nguyễn Thị Sơn, phường Vĩnh Phú (TX.Thuận An) lại không khỏi ngạc nhiên. Mỗi buổi đi ngang, sân khấu lộ rõ, gian hàng nhiều hơn, băng rôn phấp phới trên đường. “Đây là lần đầu tiên Bình Dương tổ chức lễ hội tôn vinh cây trái tỉnh nhà nên chúng tôi phấn khởi lắm. Bản thân tôi và người dân Bình Dương nói chung đều mong muốn có thêm nhiều du khách biết đến đặc sản tỉnh nhà…”.

Ông Sáu Quang, một phụ huynh trường THPT Nguyễn Trãi (TX.Thuận An) thì lại háo hức với những hoạt động nghệ thuật sẽ diễn ra trong suốt lễ hội “Tôi sẽ dẫn con đến tham gia lễ hội, xem như là một cách giải trí cho các cháu sau những ngày thi căng thẳng…”.

Lễ hội “Lái Thiêu - mùa trái chín” năm 2013 diễn ra từ ngày 8 đến 14-6 bao gồm nhiều hoạt động thú vị. Ngoài các gian hàng trái cây ngọt lành, thơm mát đến từ các tỉnh Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, Triển lãm nghệ thuật tạo hình trái cây… trong khuôn khổ lễ hội còn có nhiều hoạt động đặc sắc, như: Hội thi “Hương sắc miệt vườn”, chương trình Đờn ca tài tử, chương trình Khám phá du lịch vườn cây ăn trái. Ngoài ra, Ban tổ chức lễ hội còn phối hợp với trường Đại học KHXH&NV TP.HCM tổ chức hội thảo “Giải pháp phát triển du lịch sinh thái vườn cây ăn trái Lái Thiêu”. Đây là dịp để các nhà nghiên cứu, ngành chức năng nhìn nhận một cách rõ ràng nguyên nhân dẫn đến vườn cây trái Lái Thiêu thưa dần du khách trong thời gian qua, đồng thời đưa ra những giải pháp, chính sách phát triển tiềm năng du lịch sinh thái nơi đây.

Tập trung khôi phục “thương hiệu” vùng cây ăn trái Lái Thiêu

 Hôm nay (8-6), lễ hội “Lái Thiêu - mùa trái chín” năm 2013 sẽ chính thức khai mạc. Đây là lễ hội lần đầu tiên được tỉnh Bình Dương tổ chức và đã nhận được sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh. Phóng viên Báo Bình Dương đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Văn Lộc, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương (ảnh) xung quanh vấn đề này. Theo Ban tổ chức, khôi phục “thương hiệu” vùng trồng cây ăn trái Lái Thiêu là một trong những mục đích chính của lễ hội này.

- Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho lễ hội được tiến hành như thế nào, thưa ông ?

- Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho lễ hội “Lái Thiêu - mùa trái chín” năm 2013 của tỉnh đã tương đối hoàn tất và sẵn sàng cho ngày khai mạc. Cụ thể, chúng tôi đã chuẩn bị các gian hàng để phục vụ triển lãm các loại trái cây đặc sản của vùng trồng cây ăn trái Lái Thiêu cũng như của tỉnh Bình Dương và một số tỉnh bạn trong khu vực. Chúng tôi cũng chuẩn bị khu sân khấu chính phục vụ cho lễ hội; đồng thời chuẩn bị các gian hàng phục vụ hội chợ thương mại và công tác tuyên truyền, quảng bá, trao panner, băng rôn tuyên truyền cho lễ hội. Ban tổ chức cũng tuyên truyền sâu rộng đến người dân TX.Thuận An. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ tổ chức lực lượng chức năng trong việc kiểm tra việc mua bán theo giá niêm yết; tổ chức lực lượng bảo đảm an ninh trật tự trong suốt thời gian diễn ra lễ hội.

- Nội dung chính của lễ hội?

- Tham gia lễ hội “Lái Thiêu - mùa trái chín” lần thứ nhất năm 2013 này có khoảng 60 gian hàng trái cây, trong đó có 3 tỉnh bạn tham gia, gồm: Đồng Nai, Bến Tre và tỉnh Long An. Bên cạnh đó là các gian hàng trái cây đặc sản của vùng cây ăn trái Lái Thiêu, bưởi Tân Uyên… Ngoài ra còn có các gian hàng sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của tỉnh cũng tham gia tại lễ hội. Tại lễ hội có khoảng 150 gian hàng tham gia Hội chợ thương mại hàng Việt Nam chất lượng cao để phục vụ cho người dân đến tham quan và mua sắm. Một trong những điểm nhấn tại lễ hội là cuộc thi “Hương sắc miệt vườn” đã thu hút 120 thí sinh đăng ký tham gia. Qua vòng sơ tuyển, Ban tổ chức đã chọn được 90 thí sinh tham gia vòng bán kết tại lễ hội.

- Đây là lần đầu tiên lễ hội được tỉnh tổ chức. Nhiều người dân trong và ngoài tỉnh cũng rất quan tâm ý nghĩa, mục đích của lễ hội này?

- Có thể nói xuyên suốt lễ hội là gắn với chủ đề “Giao lưu cùng phát triển” với mục đích nhằm gầy dựng và khôi phục lại “thương hiệu” của vùng cây ăn trái Lái Thiêu đã có truyền thống gần trăm năm nay. Kế đến thông qua lễ hội nhằm tạo điều kiện cho những hộ nhà vườn của tỉnh Bình Dương nói chung và vùng Lái Thiêu nói riêng có cơ hội cùng giao lưu, học hỏi những kinh nghiệm từ các tỉnh, thành bạn trong phát triển du lịch miệt vườn. Qua đó nhằm tạo sự kết nối du lịch giữa tỉnh Bình Dương và các vùng lân cận, đặc biệt là TP.HCM. Mục đích sau cùng là lễ hội nhằm quảng bá thu hút du khách trong và ngoài nước đến Bình Dương nói chung, đến với vùng trồng cây ăn trái Lái Thiêu, qua đó góp phần cho việc phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Bình Dương trong thời gian tới.

- Xin cám ơn ông!

M.DUY - T.TRANG (thực hiện)

 

TÂM TRANG – MINH DUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=298
Quay lên trên