Nhiều bộ, ngành không ‘liệu cơm gắp mắm' khi đầu tư xây dựng

Cập nhật: 08-06-2013 | 00:00:00

Theo Báo cáo của Chính phủ, giai đoạn 2006 - 2012, trong lĩnh vực giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, ký túc xá sinh viên, di dân tái định cư đã bố trí vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) thực hiện 2.682 dự án (tương đương 2.863 dự án và tiểu dự án) với tổng mức đầu tư ban đầu là 409.415,5 tỷ đồng. Tính đến thời điểm giao kế hoạch năm 2012, các dự án nêu trên đã điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 684.794,5 tỷ đồng. Đến hết năm 2012 đã hoàn thành được 2.029 dự án. 

  Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội trường.

Tăng mức đầu tư không đúng luật

Tuy nhiên, theo đánh giá giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội, bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện vốn TPCP giai đoạn 2006 - 2012 còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư quá lớn ở hầu hết các dự án dẫn đến mất cân đối về nguồn vốn, nhiều dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư do tăng giá, điều chỉnh yếu tố kỹ thuật, tăng quy mô chưa hợp lý, không đúng với quy định của pháp luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội dẫn chứng: Theo Quyết định số 171/2006/QĐ-TTg ngày 24/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ, tổng mức đầu tư ban đầu của các công trình, dự án thuộc danh mục đầu tư từ nguồn vốn TPCP giai đoạn 2003 - 2010 là 150.668 tỷ đồng, với nhu cầu sử dụng vốn TPCP là 110.000 tỷ đồng. Tại Báo cáo số 152/BC-CP ngày 19/10/2010 của Chính phủ, tổng mức đầu tư điều chỉnh từ các bộ, ngành, địa phương đã lên tới 570.990 tỷ đồng, trong đó nhu cầu sử dụng vốn TPCP là 530.302 tỷ đồng, nhu cầu còn lại sau năm 2010 là 315.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, theo Báo cáo số 196/BC-CP ngày 17/5/2013 của Chính phủ, tổng mức đầu tư đã điều chỉnh lên 684.794,5 tỷ đồng. Hầu hết các dự án đều có phát sinh, phải điều chỉnh tổng mức đầu tư so với phê duyệt ban đầu. Có dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư gấp nhiều lần, có những dự án không chỉ điều chỉnh về giá nhân công, vật liệu, giá đền bù, giải phóng mặt bằng, thiết kế kỹ thuật,... mà còn điều chỉnh cả về quy mô của dự án. Kết quả là tổng mức đầu tư các dự án sử dụng nguồn vốn TPCP đã tăng lên nhiều so với dự toán ban đầu. Trong khi, theo Nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ cho phép điều chỉnh tổng mức đầu tư do yếu tố giá và các yếu tố về kỹ thuật ở các dự án đầu tư. Đối chiếu với từng dự án cụ thể, có nhiều công trình, dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư do tăng giá vượt xa so với tốc độ tăng giá CPI trong 3 năm 2010 - 2012, có dự án điều chỉnh tăng giá lên nhiều lần là không hợp lý và thực chất là tăng quy mô của dự án.

Đánh giá thứ hai được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra là việc phân bổ vốn TPCP trong giai đoạn 2006 - 2012 còn dàn trải; bổ sung nhiều mục tiêu, số lượng dự án và tổng mức đầu tư tăng nhanh, dẫn đến thiếu vốn; nhiều dự án đang triển khai phải cắt, giảm, giãn, hoãn tiến độ, chuyển đổi hình thức đầu tư, gây lãng phí nguồn lực.

Về thực trạng này, Thường vụ Quốc hội thẳng thắn nhìn nhận: Do thiếu hệ thống tiêu chí cụ thể, khoa học, ngoài một số nguyên tắc phân bổ theo các năm nên việc phân bổ nguồn vốn TPCP cho các dự án của các bộ, ngành, địa phương còn nhiều yếu tố chưa hợp lý, chưa công bằng. Việc xem xét tính cấp bách của từng mục tiêu, dự án trong các năm 2008 - 2009 chưa được thực hiện nghiêm túc, có một số dự án được bổ sung với quy mô và tổng mức đầu tư lớn, tính cấp thiết chưa cao, hiệu suất sử dụng thấp, phát huy hiệu quả chưa như mong muốn. Mặt khác, một trong những mục tiêu chính, quan trọng của Quốc hội là ưu tiên đầu tư cho giao thông, thủy lợi miền núi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tỷ lệ phân bổ vốn TPCP cho các tỉnh miền núi khó khăn chiếm tỷ trọng không cao, vốn bố trí thấp hơn rất nhiều so với các địa phương không thuộc địa bàn được ưu tiên bố trí vốn.

Lãng phí còn khá phổ biến

Qua giám sát cho thấy, việc thực hiện Luật THTK, CLP trong đầu tư XDCB bằng nguồn vốn TPCP trong giai đoạn 2006 - 2012 còn chưa nghiêm, bộc lộ khá nhiều tồn tại, hạn chế, yếu kém.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 27 của Luật THTK, CLP: “Dự án đầu tư trước khi quyết định đầu tư phải xác định rõ nguồn vốn đầu tư, bảo đảm cân đối đủ nguồn vốn để thực hiện dự án đúng tiến độ. Nghiêm cấm việc bố trí dàn trải vốn đầu tư gây nợ đọng khối lượng xây dựng”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, có rất nhiều dự án trước khi quyết định đầu tư chưa đảm bảo thực hiện đúng quy định này, nhiều dự án ở nhiều bộ, ngành và địa phương thường không cân đối đủ vốn đầu tư, vượt quá khả năng kinh tế, có quá nhiều dự án được phê duyệt nhưng không đủ nguồn lực thực hiện, dẫn tới thiếu vốn nghiêm trọng, nợ đọng XDCB, nhiều dự án dở dang, gây lãng phí lớn cho NSNN.

Qua giám sát cho thấy, một trong những vấn đề gây lãng phí lớn cho NSNN và TPCP là tình trạng các dự án dở dang, kéo dài, không bảo đảm tiến độ trong thực hiện, thi công các dự án, chậm đưa công trình, dự án vào sử dụng. Chỉ có 2.027/2.863 dự án sử dụng vốn TPCP giai đoạn 2006 - 2012 hoàn thành, trong đó rất nhiều dự án chậm tiến độ, còn trên 800 dự án chưa hoàn thành. Nguyên nhân chính là do thiếu vốn, không bảo đảm bố trí đủ vốn theo đúng tiến độ. Mặt khác, việc kéo dài, chậm tiến độ còn do nhiều công trình chậm giải phóng mặt bằng, năng lực nhà thầu kém.

Ngoài ra, còn hàng loạt nguyên nhân khác gây thất thoát, lãng phí vốn trái phiếu Chính phủ được Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ ra như: lựa chọn nhà thầu không bảo đảm năng lực; việc chỉ định thầu còn rộng, có hiện tượng lạm dụng cơ chế chỉ định thầu, có dự án được thực hiện cơ chế chỉ định thầu với tổng mức đầu tư lớn; tính minh bạch trong đấu thầu chưa bảo đảm, làm giảm hiệu quả đầu tư; Công tác quản lý, phân bổ, cấp phát, thanh toán và quyết toán vốn có lúc, có nơi còn buông lỏng, chưa tuân thủ quy định...

Theo VOV

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên