Qua các đợt dịch bệnh Covid-19, đặc biệt trong đợt dịch bệnh thứ 4 nguy hiểm và phức tạp, ngành thông tin và truyền thông (TT&TT) tỉnh đã tích cực chủ động tham mưu với tỉnh triển khai nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch bệnh.
Công cụ hỗ trợ đắc lực để phòng, chống dịch bệnh
Trải qua hơn 4 tháng quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, đến nay Bình Dương đang từng bước trở về trạng thái “bình thường mới”, phục hồi kinh tế, ổn định đời sống nhân dân. Để có được những thành quả đó, ngoài sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân, còn có sự đóng góp tích cực của các ứng dụng CNTT. Trong đó, việc sử dụng các ứng dụng họp trực tuyến đã giúp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các cấp nhanh chóng chỉ đạo, điều hành mọi hoạt động phòng, chống dịch bệnh. Ông Đoàn Tấn Đời, Trưởng ban Điều hành khu phố 3, phường Uyên Hưng, TX.Tân Uyên, cho biết: “Thông qua ứng dụng mạng xã hội như Zalo hoặc Facebook, Ban Điều hành khu phố đã tạo nhóm để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh. Nếu gia đình nào có người bị F0 cách ly tại nhà, chúng tôi đều kết nối Zalo để tiện giám sát. Trong quá trình theo dõi, các trường hợp F0 có chuyển biến nặng, chúng tôi sẽ nhanh chóng báo cho lực lượng y tế phường kịp thời đưa đi nhập viện”.
Công nhân ở trọ tra cứu thông tin tiêm ngừa vắc xin Covid-19 trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử
Nhằm ngăn chặn sự xâm lấn sâu và rộng của dịch bệnh Covid-19, tỉnh luôn xác định lấy CNTT là phương tiện, công cụ hỗ trợ đắc lực cho lực lượng phòng, chống dịch bệnh. Ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Sở TT&TT, cho biết trong suốt chặng đường phòng, chống dịch bệnh Covid-19, ngành TT&TT đã tham mưu cho tỉnh triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch bệnh thông qua các ứng dụng CNTT, như: Thành lập Hệ thống Trung tâm Thông tin tác chiến phòng, chống dịch Covid-19; nâng cấp và mở rộng Hệ thống đường dây nóng 1022 để tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị liên quan công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; thành lập Tổ triển khai ứng dụng công nghệ số vào công tác phòng, chống dịch bệnh; xây dựng website Bản đồ thông tin dịch tễ Covid-19; ứng dụng quản lý và giám sát khu cách ly; Bluezone; Vietnam Health Declaration (ứng dụng khai báo y tế cho người nhập cảnh)... Việc triển khai các ứng dụng CNTT bước đầu đã mang lại kết quả khả quan, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Phát huy hiệu quả trong thực hiện “mục tiêu kép”
Trong đợt dịch bệnh Covid-19 thứ 4 cho thấy việc ứng dụng CNTT vào hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh đã phát huy hiệu quả tích cực trong thực hiện “mục tiêu kép”. Trong đó, VNPT Bình Dương đã phối hợp với các sở, ngành triển khai nhiều ứng dụng CNTT, như: Phối hợp với Sở TT&TT thực hiện tích hợp thành công dịch vụ công “Thanh toán nghĩa vụ tài chính về lĩnh vực đất đai”; phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh hoàn thành và triển khai ứng dụng CNTT “phiên chợ online 0 đồng” cho các công dân và lực lượng phục vụ tại các khu cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo triển khai chương trình dạy học trực tuyến. Đặc biệt, VNPT Bình Dương phối hợp với Sở Công thương triển khai thần tốc và gấp rút ứng dụng phần mềm Cổng thông tin Quản lý nhân viên vận chuyển hàng hóa có mã QR.
Cùng với đó, hiện nay các nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19, nền tảng quản lý xét nghiệm, thống kê, nhập liệu thông tin cá nhân đã kịp thời phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Có thể thấy, việc phát huy tối đa ứng dụng CNTT trong mọi hoạt động, nhất là trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh không chỉ góp phần hạn chế sự lây lan dịch bệnh mà còn bảo đảm hiệu quả trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ ở mỗi cơ quan, đơn vị và các doanh nghiệp trên toàn tỉnh.
Ông Lê Tuấn Anh cho biết: “Ngành TT&TT vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19; đồng thời tăng cường công tác thông tin tuyên truyền một cách phù hợp, hiệu quả. Trong đó, ngành đặc biệt chú trọng hình thức thông tin lưu động đến tận các khu phố, ngõ hẻm, khu nhà trọ, khu phong tỏa, cách ly ở các vùng “khóa chặt, đông cứng”; thường xuyên theo dõi và xử lý kịp thời thông tin giả trên mạng xã hội liên quan đến tình hình dịch bệnh ở địa phương, không để kéo dài gây bức xúc trong dư luận xã hội”.
THU HƯỜNG