Ưu tiên giao thông kết nối

Cập nhật: 24-06-2020 | 08:42:37

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cần tập trung mọi điều kiện tốt nhất để phát triển kinh tế cũng như cơ hội thu hút sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư thế giới. Trong đó, giao thông đi trước mở đường để phát triển là một ưu tiên khi quy hoạch đầu tư các công trình hạ tầng mang tính liên kết vùng. Đó là một trong những nội dung kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị với lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mới đây.

 Bình Dương - địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nằm trên các trục giao thông quan trọng của quốc gia và là đầu mối giao lưu thương mại quan trọng giữa các tỉnh Tây nguyên, miền Trung với TP.Hồ Chí Minh. Trong nhiều năm qua tỉnh luôn ưu tiên phát triển mạnh mạng lưới giao thông, tạo sự kết nối thuận lợi với các tỉnh thành xung quanh nhằm tận dụng lợi thế để phát triển. Nhiều tuyến giao thông quan trọng mang tính kết nối vùng được tỉnh đặc biệt quan tâm, chỉ đạo thực hiện như: Đường Mỹ Phước - Tân Vạn - Bàu Bàng; đường Bàu Bàng - Phú Giáo - Bắc Tân Uyên; nâng cấp mở rộng quốc lộ 13; nâng cấp mở rộng đường ĐT743A, ĐT743B; đầu tư mới đường Thủ Biên - Đất Cuốc; dự án đường Vành đai 3, Vành đai 4 cũng được tỉnh chủ động triển khai sớm… Nhờ có những tư duy chiến lược, đến nay Bình Dương đã cơ bản trở thành một tỉnh phát triển công nghiệp, có vị trí quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với nhiều thành tựu nổi bật về đổi mới và hội nhập quốc tế.

Nói về vai trò, vị thế của Bình Dương, ông Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ từng nhấn mạnh rằng: Thông thường một địa phương ở gần TP.Hồ Chí Minh sẽ bị hút về trung tâm này nhưng Bình Dương đã và đang biết tạo ra lợi thế để phát triển. Còn nguyên Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (hiện là Bí thư Thành ủy Hà Nội) đã bày tỏ kỳ vọng vào sự trỗi dậy của Bình Dương trong tương lai gần sẽ góp phần vào sự phồn thịnh chung của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của cả nước. Bình Dương chủ động đi trước mở đường là thế, song nhìn chung toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hiện nay đang có dấu hiệu phát triển chậm lại do cơ sở hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, tính liên kết vùng chưa cao, chưa có cơ chế chính sách đặc thù để tháo gỡ nút thắt và vươn lên phát triển mạnh mẽ. Có nhiều tuyến giao thông huyết mạch trong liên kết vùng vẫn đang còn nút thắt ở những điểm giao nhau, ranh giới giữa các địa phương với nhau. Hy vọng rằng, sau khi có kết luận của Thủ tướng Chính phủ, nhiều nút thắt sẽ được tháo gỡ, nhất là về kết nối hạ tầng giao thông thì Bình Dương càng có thêm nhiều cơ hội hơn để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đắc lực trong phát triển kinh tế chung của cả vùng và của đất nước.

 T.ĐỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1014
Quay lên trên