Văn hóa phải thực sự là nền tảng, nguồn lực phát triển đất nước

Cập nhật: 08-01-2021 | 16:46:17

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng một số lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch có những tiến bộ toàn diện, vững chắc. Ảnh: VGP/Đình Nam

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh điều này tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác văn hóa, thể thao và du lịch năm 2021, sáng 8/1.

Phó Thủ tướng ghi nhận nỗ lực và những kết quả rất toàn diện nổi bật của ngành VHTTDL trong  những năm qua, đặc biệt trong năm 2020, góp phần thực hiện thành công “mục tiêu kép” của Chính phủ vừa phòng chống dịch bệnh COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. Như đánh giá của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Chính phủ với địa phương (ngày 28/12/2020): Năm 2020 là năm thành công nhất trong 5 năm vừa qua với những kết quả, thành tích đặc biệt, có ý nghĩa quan trọng trong việc nêu cao lòng yêu nước, tình đoàn kết, niềm tự hào dân tộc, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Trong đó, những người làm công tác trong ngành VHTTDL, giới văn nghệ sĩ đã đồng lòng vào cuộc thắp lên ngọn lửa, khơi dậy các giá trị nhân văn tốt đẹp nhất của dân tộc, động viên nhân dân đoàn kết phòng chống dịch bệnh, thiên tai.

Mỗi người dân thêm yêu nước, tự hào về truyền thống dân tộc

Nhìn lại nhiệm kỳ vừa qua và năm 2020, Phó Thủ tướng điểm lại và cho rằng một số lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch có những tiến bộ toàn diện, vững chắc.

Cụ thể, công tác bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa là cả một quá trình Bộ VHTTDL sát cánh cùng các địa phương từ xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận các di sản văn hóa (vật thể, phi vật thể) đến triển khai những chương trình bảo tồn, phát huy thực chất. Ví dụ như đối với Dân ca quan họ Bắc Ninh, việc hỗ trợ không dừng lại các nghệ nhân mà còn đưa loại hình nghệ thuật này vào trường học.

So với những năm trước đây, hoạt động bảo tồn và quản lý lễ hội văn hóa vốn gây nhiều bức xúc, nhức nhối do tình trạng biến tướng, mê tín dị đoan thì đến nay đã ngăn nắp hơn.

Trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, với việc ban hành Nghị định số 122/2018/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu văn hóa ở cơ sở, hoạt động này đã đi vào thực chất, không chồng chéo, hình thức và được lồng ghép vào các phong trào xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, các cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn minh đã khơi dậy những giá trị văn hóa tốt đẹp nhất của từng người dân, từng hộ gia đình.

Nhắc đến vai trò hết sức quan trọng của việc nâng cao dân trí trong bối cảnh cách mạng công nghiệp công nghệ 4.0,  Phó Thủ tướng cho rẳng, nhiệm kỳ qua, lĩnh vực thư viện và văn hóa đọc có những đổi mới, chuyển biến mạnh mẽ, tạo sự lan tỏa trong xã hội, số sách xuất bản, số người đọc tăng nhanh.

Lĩnh vực văn học nghệ thuật, dù còn rất nhiều việc phải làm, nhưng cũng có bước tiến thể hiện qua các cuộc thi, liên hoan văn hóa nghệ thuật, hoạt động sáng tác, bảo vệ quyền tác giả,… với sự tham gia tích cực của giới văn nghệ sĩ. Đặc biệt hoạt động nghệ thuật biểu diễn đã đi vào nền nếp, quy củ hơn với các quy định quản lý nhà nước ngày càng đầy đủ, hoàn thiện cũng như qua việc chấn chỉnh, xử lý nghiêm những vụ việc cụ thể.

Bộ VHTTDL cũng có những đóng góp thầm lặng nhưng không kém phần quan trọng vào thành công của đại hội các hội văn học, nghệ thuật, đem đến một khí thế mới cho các hội này khi bắt đầu nhiệm kỳ hoạt động mới.

Tiếng nói của ngành VHTTDL trước các vấn đề văn hóa của đất nước được chú trọng hơn, tạo sự chuyển biến trong xã hội.

Về lĩnh vực thể thao, Phó Thủ tướng đánh giá cao Bộ VHTTDL đã phối hợp với Bộ GD&ĐT đưa các môn thể thao vào trong trường học, cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào học thể dục, rèn luyện thân thể trong nhà trường và lan tỏa ra toàn xã hội với khẩu hiệu “Rèn luyện thân thể - Bảo vệ Tổ quốc. Rèn luyện thân thể - Kiến thiết đất nước. Thể dục - Khỏe”. Đó là sự kết hợp giữa văn hóa và lý tưởng để mỗi học sinh và từng người dân nhận thức rèn luyện thân thể, sức khỏe không chỉ là thói quen mà còn là ý chí, trách nhiệm, đối với đất nước, với dân tộc.

Thể thao thành tích cao của Việt Nam trong nhiệm kỳ qua đã đạt được những thành tích rất đáng ghi nhận như môn Bóng đá nam đã lần đầu tiên vô địch SEA Games, các môn thể thao Olympic giành được vị trí cao ở châu Á và trên thế giới. Đáng chú ý, là nước chủ nhà của SEA Games 31 (dự kiến diễn ra vào tháng 11/2021), Việt Nam đã quyết định chỉ tập trung vào các môn thể thao Olympic, Asian Games, từ đó tạo sân chơi công bằng, sòng phẳng thay vì chỉ lựa chọn những nội dung thế mạnh của nước chủ nhà.

Kế thừa từ những nhiệm kỳ trước, đặc biệt là nhiệm kỳ này, ngành du lịch có bước tiến ngoạn mục khi đứng trong nhóm 10 nước có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới; nhiều hạ tầng, cơ sở, công trình phục vụ du lịch có quy mô và chất lượng quốc tế. Du lịch Việt Nam đạt được rất nhiều giải thưởng danh giá về du lịch di sản, du lịch ẩm thực, nghỉ dưỡng… của thế giới và châu Á.

“Bộ VHTTDL đã điều hành, phối hợp nhịp nhàng hoạt động giữa ba lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, góp phần khơi dậy những giá trị tốt đẹp, làm cho mỗi người dân Việt Nam thấy thêm yêu nước, tự hào về truyền thống dân tộc, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và yêu thương nhiều hơn”, Phó Thủ tướng ghi nhận.

 

Gương mẫu đi trước trong chuyển đổi số

Trong rất nhiều việc phải làm những năm tới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu phải đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa để tận dụng được cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0.

Dẫn kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh COVID-19 giúp ngành du lịch nắm được dữ liệu của 83.000 cơ sở lưu trú gồm các khách sạn cao cấp cho đến nhà nghỉ nhỏ, để phục vụ cho công tác quản lý sau này, Phó Thủ tướng cho rằng cần tiếp tục mở rộng ra lĩnh vực bảo tàng, thư viện, di tích, danh thắng… bởi “chúng ta đang có rất nhiều di sản, di tích, bảo tàng hiện vật, những cuốn sách quý ở trong thư viện, những bức tranh quý ở trong bảo tàng của nhà nước cũng như bảo tàng tư nhân”.

Thực tế, hai năm vừa qua một số thư viện, bảo tàng đã bắt đầu thực hiện số hóa sách, văn bản, tư liệu, hiện vật quý, song Phó Thủ tướng đề nghị Bộ VHTTDL phải tập trung chỉ đạo, tăng tốc, “gương mẫu đi trước chứ không phải chầm chậm đi sau”, cùng với các địa phương, sở VHTTDL, doanh nghiệp, người dân… vào cuộc mạnh mẽ, để giải những bài toán khó đang đặt ra. Ví dụ như tình trạng thiếu hướng dẫn viên biết các thứ tiếng hiếm người sử dụng tại các di tích, danh thắng có thể được giải quyết bằng các ứng dụng thuyết minh tự động, kết nối trực tiếp với điện thoại của du khách. Hay người dân chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có thể tìm hiểu, lên kế hoạch đặt mua vé máy bay, tàu, xe, phòng khách sạn, đi đến các khu du lịch, danh thắng, bảo tàng, di tích lịch sử… nếu mọi tài nguyên, sản phẩm du lịch, từ các điểm đến, danh thắng, di tích, nhà hàng đến những hiện vật có giá trị văn hoá, lịch sử… được số hóa.

“Chúng ta không có sự lựa chọn nào khác là phải cùng đi vào “chuyến tàu” cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng không thụ động. Mọi người thường nghĩ ngành VHTTDL đi chậm hơn trong số hóa nhưng các đồng chí hoàn toàn có thể đi nhanh hơn rất nhiều nếu tiếp cận với tâm thế của người trong cuộc, chủ động, thiết thực, áp dụng triệt để công nghệ thông tin trong mọi hoạt động, nắm được toàn bộ nguồn lực trong lĩnh vực quản lý”, Phó Thủ tướng trao đổi.

Phó Thủ tướng tin tưởng toàn ngành VHTTDL tiếp tục kế thừa, phát huy những thành tựu đã đạt được để góp phần đưa đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Làm cho văn hóa thực sự trở thành nền tảng, thành nguồn lực phát triển đất nước mà thực tế vừa qua là minh chứng rất sống động.

Theo chinhphu.vn

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=429
Quay lên trên