Ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” như một lời hiệu triệu, lôi cuốn, động viên toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi hy sinh gian khổ hoàn thành tốt nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng. 70 năm đã qua, nhưng “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Người vẫn vang vọng mãi, thấm sâu vào các tầng lớp nhân dân, biến thành sức mạnh tổng hợp, đưa cách mạng Việt Nam đến mọi thắng lợi vẻ vang.
Theo Người, thi đua là một trong những biện pháp của quá trình vận động cách mạng. Thi đua không chỉ khơi dậy tiềm năng sáng tạo của con người, mà quan trọng hơn là cải tạo bản thân con người; nêu cao tinh thần yêu nước trong tất cả mọi tầng lớp, giai cấp, tôn giáo trong xã hội, hướng tới mục đích chung. Thi đua để mọi người đều làm việc tốt hơn; “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và, những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Theo quan điểm của Bác, thi đua phải thiết thực, ở tất cả các lĩnh vực, gắn với nhiệm vụ cụ thể của từng ngành, từng cấp, từng cá nhân, trong từng giai đoạn cụ thể.
Hưởng ứng “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Người, trong giai đoạn sau Cách mạng Tháng Tám, bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, trên phạm vi cả nước đã lan tỏa các phong trào “Tuần lễ vàng”, “Bình dân học vụ”, “Đời sống mới”, “Quỹ độc lập”, “Quỹ đảm phụ quốc phòng”, “Ruộng đất là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ, hậu phương thi đua với tiền phương”... Trong giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam lại có các phong trào “Sóng Duyên hải”, “Gió Đại Phong”, “Cờ Ba nhất”, “Trống Bắc Lý”, “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”... Sau khi đất nước thống nhất, dưới đường lối đổi mới của Đảng, soi sáng bởi tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã đề ra khẩu hiệu “Tất cả vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Từ đó, nhiều phong trào được phát động và thực hiện có hiệu quả như: “Xóa đói, giảm nghèo”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Thi đua quyết thắng”, “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, “5 xung kích, 4 đồng hành”, “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu”, “Thi đua dạy tốt, học tốt”, “5 không, 3 sạch”...
Để tiếp tục phát huy ý nghĩa, giá trị của “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, ngày 4-3-2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 258/QĐ-TTg về việc lấy ngày 11-6 hàng năm là Ngày truyền thống thi đua yêu nước. 70 năm qua, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, toàn Đảng, toàn quân, toàn thể nhân dân ta luôn quán triệt và không ngừng vận dụng sáng tạo tư tưởng của Người để triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước; đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, không quản hy sinh gian khổ, đem trí tuệ, sức lực phục vụ sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa
ĐÀM THANH