Trung tâm Văn hóa Thông tin - Thể thao TP.Dĩ An vừa tổ chức Hội thi Giọng ca tài tử - cải lương mở rộng lần XII - năm 2023. Có 50 thí sinh thuộc nhiều lứa tuổi trong và ngoài tỉnh đã tham gia hội thi với mục tiêu giao lưu học hỏi, vun đắp thêm niềm đam mê, kỹ năng biểu diễn nghệ thuật đờn ca tài tử - cải lương.
Trần Hồng Thắm và Trần Văn Linh (TP.Thủ Dầu Một) thi diễn trích đoạn cải lương “Bên cầu dệt lụa”
Đa dạng sắc thái
Khởi tranh từ ngày 25-3 đến ngày 1-4, hội thi đã thu hút sự tham gia sôi nổi của 50 thí sinh thuộc nhiều lứa tuổi đến từ Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh, Cà Mau, Kiên Giang, Tây Ninh và các huyện, thị, thành phố của Bình Dương. Các thí sinh được chia thành 2 bảng thi: Bảng A từ 16 - 40 tuổi, bảng B từ 41 tuổi trở lên, thi diễn ở 2 hình thức đơn ca và song ca. Sau 2 vòng thi sơ khảo và bán kết, có 12 thí sinh và 3 cặp thí sinh được tuyển chọn vào vòng chung kết.
Tại vòng chung kết, mỗi thí sinh thi đơn ca 4 câu vọng cổ tùy chọn, mỗi cặp thí sinh song ca thi diễn một trích đoạn cải lương tùy chọn. Ấn tượng nhất là chất giọng đầy triển vọng của Bùi Minh Nhớ (sinh năm 2002, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Là thí sinh nhỏ tuổi nhất hội thi, với trang phục chú lính hải quân, Minh Nhớ đã thể hiện khá tròn 4 câu vọng cổ trong bài “Thức cùng biển đảo”.
Không chỉ xuất hiện nhiều giọng ca trẻ, hội thi còn thu hút các giọng ca lớn tuổi vẫn luôn dành nhiều tình yêu với đờn ca tài tử - cải lương. Ông Ngô Văn Tịnh (sinh năm 1960, TP.Hồ Chí Minh) là thí sinh lớn tuổi nhất hội thi với chất giọng trầm ấm đã chinh phục khán giả và Ban giám khảo qua bài “Nhớ bến sông xưa” và xuất sắc đoạt giải nhất bảng B từ 41 tuổi trở lên.
Đặc biệt, khán giả đã có dịp thưởng thức 3 trích đoạn cải lương từng vang bóng một thời: “Tô Ánh Nguyệt”, “Bên cầu dệt lụa” và “Khách sạn hào hoa” do các cặp thí sinh tham gia vòng chung kết thể hiện. Tuy không xuất sắc như các nghệ sĩ nổi tiếng nhưng các thí sinh đã đầu tư tập luyện và dàn dựng khá công phu, mang đến hội thi những vai diễn hòa quyện cùng lời ca vừa ngọt ngào, vừa mùi mẫn làm say đắm lòng người.
Anh Trần Văn Linh (sinh năm 1985, quê An Giang), là nhân viên bán hàng tại TP.Thủ Dầu Một cho biết, trải qua 3 vòng thi, bản thân có dịp học hỏi sâu hơn về các bài lý, các thể điệu Nam, Hạ, Bắc, Oán, vọng cổ, trích đoạn cải lương… và biết cách biểu diễn trên sân khấu từ các cô chú, anh chị trong giới. Vì vậy, dù kết quả thế nào thì với anh đây cũng là một lần được “chơi” cho thỏa đam mê.
Hội ngộ và lan tỏa
Hội thi Giọng ca tài tử - cải lương TP.Dĩ An mở rộng lần XII - năm 2023 là cuộc hội ngộ, giao lưu giữa các thế hệ anh chị em tài tử trong và ngoài tỉnh. Thông qua hội thi, các tài tử trẻ đã có dịp giao lưu học hỏi nhiều bài học hay từ những người đi trước, các bậc thầy trong giới đờn ca tài tử - cải lương.
Ông Trương Ngọc Vũ, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin - Thể thao TP.Dĩ An cho biết, hội thi là sân chơi thường niên được tổ chức nhằm phát hiện, bồi dưỡng những tài năng trong lĩnh vực nghệ thuật đờn ca tài tử - cải lương. Qua đó, hội thi góp phần bảo tồn và phát triển các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống đậm chất dân gian - dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững đất nước.
Theo Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên, nguyên giảng viên Khoa sau đại học, trường Đại học Văn hóa TP.Hồ Chí Minh, bây giờ có nhiều hoạt động nghệ thuật thu hút công chúng tham gia, nhưng vẫn có nhiều nghệ nhân, người cao tuổi và những bạn trẻ đeo đuổi vẫn tâm huyết nghệ thuật đờn ca tài tử - cải lương như hội thi ở TP.Dĩ An thì đó là điều rất đáng quý. Hy vọng, những thí sinh đoạt giải cao sẽ phát huy nội lực của bản thân, những lần thi sau sẽ có thêm nhiều gương mặt trẻ tham gia và cổ động bạn bè mình tham gia.
THỤC VĂN