Vừa qua, các chuyên gia Phần Lan đã có cuộc làm việc tại Bình Dương, chia sẻ kinh nghiệm của Phần Lan trong quy hoạch tổng thể để xây dựng thành phố thông minh và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Những chia sẻ này góp phần giúp Bình Dương có thể tìm kiếm, phát triển các mô hình phù hợp để áp dụng.
Tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề
Từ một tỉnh nông nghiệp, đến nay Bình Dương đã trở thành tỉnh công nghiệp, đứng tốp đầu cả nước về thu hút đầu tư. Tuy nhiên, Bình Dương cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đó là các ngành sản xuất vẫn chưa theo kịp công nghệ tiên tiến của thế giới, giá trị gia tăng của sản phẩm thấp, sử dụng nhiều lao động, môi trường, tài nguyên và các vấn đề xã hội có những tác động phức tạp. Nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo cơ hội cho Bình Dương phát triển lên một tầm cao mới, yêu cầu phải có một mô hình phát triển “thông minh” nắm bắt toàn bộ các cơ hội ngắn hạn, đồng thời chuẩn bị cho Bình Dương giàu mạnh trong tương lai. Dựa trên những điểm tương đồng giữa Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - CTCP (Becamex IDC, Bình Dương) và Tập đoàn Brainport (Hà Lan), việc ứng dụng mô hình “ba nhà” (Nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp) để chuyển đổi sang nền kinh tế sản xuất kỹ thuật (cao) tiên tiến là khả dĩ nhất để Bình Dương xây dựng thành công thành phố thông minh.
Theo kế hoạch, Thành phố mới Bình Dương sẽ là trung tâm của một vùng được gọi là Vùng thông minh Bình Dương trong tương lai. Ảnh: PHƯƠNG LÊ
Năm 2016, Bình Dương đã phê duyệt Đề án xây dựng thành phố thông minh với mô hình “ba nhà”. Để xây dựng thành công thành phố thông minh, trong 2 năm qua Bình Dương đã tổ chức các cuộc hội thảo mang tầm quốc tế nhằm tạo điều kiện thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm từ các lãnh đạo, chuyên gia hàng đầu thế giới và trong nước về tầm nhìn, chiến lược, chương trình hành động của các đề án thành phố thông minh trên khắp thế giới; so sánh và đề xuất những ý tưởng thực tiễn cho trường hợp của Bình Dương trong giai đoạn sắp tới.
Mới đây, các chuyên gia Phần Lan đã có buổi làm việc, chia sẻ với Bình Dương về kinh nghiệm của Phần Lan trong quy hoạch tổng thể để xây dựng thành phố thông minh và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, với mục đích nhằm đáp ứng nhu cầu của Bình Dương trong quá trình phát triển thành điểm đến toàn cầu thông qua sự vận hành và cơ sở hạ tầng thông minh.
Theo các chuyên gia Phần Lan, thành phố đổi mới sáng tạo được hoạch định và xây dựng để thúc đẩy sự đổi mới công nghệ và phát triển kinh doanh. Tuy nhiên, chỉ kế hoạch đô thị và phối hợp địa điểm của các bên thực thi thì không đủ để bảo đảm đạt được kết quả đầu ra đổi mới sáng tạo mang tính tích cực. Bằng chứng cho thấy, các thành phố đổi mới sáng tạo cần lấy động lực phát triển thực sự làm cốt lõi. Yêu cầu này đòi hỏi sự phối hợp và đồng bộ các mô hình quản lý trung tâm đổi mới sáng tạo và thành phố đổi mới sáng tạo để khởi động hoạt động đổi mới sáng tạo dự kiến tại thành phố. Thành phố đổi mới sáng tạo chỉ có thể bảo đảm vị trí của mình trên toàn cầu sau khi cốt lõi sáng tạo của thành phố này đạt được sự ổn định và sự thông minh của thành phố được mở rộng đến việc tạo ra hoạt động kinh doanh mang tính đổi mới sáng tạo.
Kinh nghiệm từ Phần Lan
Theo chuyên gia Jukka Viitanen (Phần Lan), quy hoạch đô thị thế kỷ XXI tập trung vào các cấu trúc thành phố thông minh. Hiện tại, có hàng trăm dự án trên thế giới đang lập kế hoạch và xây dựng nơi gọi là thành phố thông minh, thành phố sáng tạo. Những dự án này tập trung vào việc thiết lập các thành phố mới hoàn toàn hoặc cải tạo các thành phố hiện tại để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai. Các dự án này có những đặc tính chính gồm: Các nguồn năng lượng thay thế; tập trung vào hiệu quả năng lượng (smart grids, công trình xanh); quản lý nước cho tương lai (tái sử dụng, tái chế, xử lý); dịch vụ vận chuyển (giao thông công cộng, tàu điện ngầm…); giao tiếp thông minh (băng thông rộng, internet, mạng di động…); cung cấp dịch vụ thông minh (quản trị điện tử…). Trong tương lai, các chuyên gia quy hoạch đô thị cần kết hợp các giải pháp kỹ thuật tiên tiến (kỹ thuật, kỹ thuật số, di động và quy trình) và hệ thống xã hội bổ sung (cho đổi mới, học hỏi và tích lũy kiến thức) để tạo ra các mô hình kinh doanh cạnh tranh.
Các thành phố thông minh sẽ kết hợp chức năng thành phố cần thiết nhà ở, văn phòng, vận chuyển, các yếu tố thuộc thiết kế (thiết kế, kiến trúc, cảnh quan), hệ thống dịch vụ cần thiết (chăm sóc sức khỏe, hậu cần, học tập thương mại) để tăng cường sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc (sinh sống, làm việc, đi lại). Việc kết hợp các giải pháp dựa trên công nghệ hiện đại (ICT, năng lượng, vật liệu, tái chế, nước, chất thải) vào các giải pháp hệ sinh thái đô thị sẽ tạo ra sự hấp dẫn cho các nhà phát triển công nghiệp và đô thị. Tuy nhiên, thành phố thông minh cần phải đi kèm với tư duy đổi mới. Điều này có nghĩa là các kế hoạch tổng thể: Thành phố thông minh và các “tòa nhà xanh” phải được bổ sung thêm những chức năng, cấu trúc và quy trình hỗ trợ các hoạt động đổi mới chung.
Chuyên gia Jukka Viitanen khẳng định, tư duy thành phố đổi mới sáng tạo là tư duy mang tính thúc đẩy việc xây dựng năng lực đổi mới sáng tạo có kế hoạch. Nghĩa là, các nhà phát triển đô thị phải đưa yếu tố có lợi cho đổi mới sáng tạo cụ thể vào các quy trình hoạch định ban đầu của mình. Những yếu tố này phải bao gồm kế hoạch về đổi mới/nghiên cứu và phát triển ngành, các vườn ươm doanh nghiệp, các nền tảng khởi nghiệp. Điều này sẽ được thực hiện tốt hơn khi có sự cộng tác của cụm công nghiệp địa phương, các trường đại học và nhà nghiên cứu. Bên cạnh đó, những cấu trúc và quy trình mang tính tổ chức, có lợi cho sự đổi mới sáng tạo và có khả năng tăng thêm giá trị này có thể được xây dựng một cách tốt nhất nếu kết hợp với các cụm khu công nghiệp, trường đại học và cộng đồng nghiên cứu địa phương.
Nhóm chuyên gia Phần Lan gọi những trung tâm đổi mới trong tương lai này là “thành phố đổi mới 3 trong 1”. Chúng được xây dựng trên cơ sở hạ tầng tiên tiến, có hỗ trợ công nghệ thông tin (hệ thống điện thông minh, nền tảng công nghệ thông tin, dữ liệu chia sẻ, hệ thống giao thông thông minh, nền tảng truyền thông). Mục tiêu cuối cùng là tìm ra sự kết hợp đúng đắn giữa các mối quan hệ hợp tác công tư và nền tảng đổi mới nhằm tăng cường tích lũy tri thức và thúc đẩy sở hữu trí tuệ để thương mại hóa sản phẩm một cách nhanh chóng. Các chuyên gia Phần Lan cho rằng, để phát triển thành phố thông minh sáng tạo thì các trung tâm đổi mới cần phải được hoạch định đồng thời ngay trong các kế hoạch tổng thể đầu tiên. Sự kết hợp này tạo ra nền tảng phù hợp hơn cho việc hình thành các doanh nghiệp liên doanh, những mối quan hệ hợp tác công tư và các mô hình đầu tư.
Đề xuất lộ trình xây dựng thành phố đổi mới sáng tạo tại Bình Dương, phía Phần Lan sẽ cung cấp chuyên môn và nhà lãnh đạo cao cấp để chỉ đạo quá trình tư vấn, từ tầm nhìn để mở rộng từ thành phố thông minh, thành phố sáng tạo đổi mới đến hỗ trợ chuyên gia trong thực hiện quy hoạch và hỗ trợ đổi mới để tăng cường kết nối giữa phát triển đô thị và đổi mới sáng tạo.
Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban Điều hành Thành phố thông minh Bình Dương, đánh giá cao kinh nghiệm của Phần Lan trong xây dựng thành phố thông minh, luôn chú trọng gắn giáo dục với nghiên cứu sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế. Trong những năm qua, Phần Lan luôn nằm vào tốp 10 thế giới về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu. Các chỉ số về hiệu quả của các tổ chức công, hệ thống giáo dục đại học, mức độ đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, hợp tác công - tư luôn đứng hàng đầu thế giới. Vì vậy, thành công của Phần Lan chính là một kinh nghiệm quý để Bình Dương tham khảo học tập. Ông cũng đánh giá cao mối quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp giữa 2 nước. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để Bình Dương có thể hợp tác với Phần Lan, chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp hay trong việc quy hoạch phát triển thành phố thông minh, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, giúp Bình Dương có thể tìm kiếm, phát triển các mô hình phù hợp để áp dụng vào tỉnh.
PHƯƠNG LÊ