Xếp hạng chất lượng giáo dục toàn cầu: Việt Nam chớ vội mừng!

Cập nhật: 15-05-2015 | 09:10:21

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế vừa đưa ra bảng xếp hạng chất lượng giáo dục toàn cầu được kiểm tra tại 76 quốc gia và vùng lãnh thổ, không phân biệt các nước phát triển và đang phát triển. Theo đó, đứng đầu bảng là Singapore, tiếp theo là Hong Kong, Hàn Quốc, Nhật Bản. Điều đặc biệt, Việt Nam được xếp ở vị trí thứ 12, cao hơn cả Anh ở vị trí 20 và Mỹ đứng thứ 28!

Tiếp cận thông tin “nóng” trên, hẳn những ai quan tâm đến chất lượng nền giáo dục nước nhà cảm thấy vui xen lẫn chút tự hào. Nhưng niềm vui đó chỉ thoáng qua nếu nhìn vào thực tế nền giáo dục Việt Nam hiện tại. Có thể bảng xếp hạng trên là hoàn toàn khách quan, nhưng tiêu chí đánh giá chỉ dựa vào điểm môn toán và khoa học, tập trung vào học sinh ở độ tuổi 15. Chắc chắn đó không phải là chất lượng toàn diện của một nền giáo dục.

Nền giáo dục Việt Nam, từ bậc tiểu học cho đến đại học, trong suốt nhiều thập kỷ qua luôn là đề tài nóng trên diễn đàn công luận. Những nhà quản lý ngành giáo dục nước nhà cho đến thời điểm hiện tại vẫn cứ loay hoay với cải cách, đổi mới, chưa định hình được đường hướng phát triển một cách bền vững. Nhìn nhận một cách công tâm thì các nhà quản lý giáo dục đã thể hiện quyết tâm đổi mới để nâng chất lượng giáo dục. Nhưng thực tế gần như là “lực bất tòng tâm”, từ chuyện đổi mới thi cử, thay mới sách giáo khoa, phương pháp đào tạo… đang là vấn đề hết sức nan giải.

Chỉ với những bộ sách giáo khoa cho các cấp học phổ thông mà cho đến nay vẫn cứ bàn cãi, tranh luận gay gắt rằng ai được quyền biên soạn, đơn vị nào thẩm định, xuất bản? Đi kèm theo đó là vấn đề kinh phí. Đơn vị chủ quản đưa ra con số hàng ngàn tỷ đồng để đổi mới sách giáo khoa. Những nhà giáo dục giàu kinh nghiệm lại cho rằng đó là con số không tưởng, họ chỉ cần vài trăm tỷ đồng là đủ để biên soạn những bộ sách giáo khoa mới, phù hợp. Chuyện đổi mới sách giáo khoa chưa xong lại “đau đầu” với đổi mới thi cử, cứ 4 môn rồi lại 8 môn, hai kỳ thi rồi một kỳ thi, tất cả là “gánh nặng” thực sự đè lên vai học sinh cũng như phụ huynh!

Trở lại với bảng xếp hạng vừa nêu, có lẽ chỉ nên coi cái thứ hạng 12 trên toàn cầu của nền giáo dục nước nhà chỉ là “liệu pháp tinh thần”, đừng vội mừng và xem đó là thước đo thực chất. Chất lượng giáo dục Việt Nam cao hơn cả Anh và Mỹ, kết quả đó liệu các nhà quản lý giáo dục có dám khẳng định!

CẢNH HƯỞNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên