Xúc tiến những việc cần làm ngay để “bóc, tách” F0 hiệu quả

Cập nhật: 18-08-2021 | 15:21:03

(BDO) Sáng 18-8, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh tổ chức họp trực tuyến đánh giá, bàn giải pháp phòng chống dịch với 9 huyện, thị thành phố. Chủ trì cuộc họp có ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh; Phó Giáo sư - Tiến sĩ Y khoa, Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội; ông Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường Y tế, Bộ Y tế. 


Ông Võ Văn Minh chủ trì cuộc họp sáng 18-8

Những việc cần phải làm ngay

Theo báo cáo cho biết, qua kết quả xét nghiệm lần 2 tại TP.Thuận An và TX.Tân Uyên, tỷ lệ F0 mắc tăng rất cao, đặc biệt là TP.Thuận An. Kết quả xét nghiệm các ngày 13, 14, 15-8 chưa có nên các chuyên gia Bộ Y tế phân tích số liệu dựa trên ngày 12-8 và tập trung vào TP.Thuận An, TX.Tân Uyên. 

Ông Dương Chí Nam cho biết: Qua kiểm tra thực tế, nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ mắc tăng cao tại TP.Thuận An, TX.Tân Uyên là do việc giám sát thực hiện Chỉ thị 16 chưa thực sự nghiêm và không đủ lực lượng giám sát, dẫn tới chưa đảm bảo nhà cách nhà, người cách người, nhất là khu nhà trọ công nhân. Hơn nữa mật độ công nhân nhà trọ ở khu vực TP.Thuận An rất đông, các phòng ở sát nhau, diện tích hẹp, một số nhà trọ sử dụng nhà vệ sinh chung rất dễ lây nhiễm chéo. Công tác triển khai xét nghiệm đợt 1 còn chậm, dài thời gian để quay lại xét nghiệm đợt 2. Ông Nam nhận định: “TP.Thuận An sát cạnh TP.Thủ Đức, Quận 12 (TP.Hồ Chí Minh) nên đã bị nhiễm rất sâu, rộng, cần phải kiên trì, quyết liệt và dùng mọi biện pháp, kể cả các biện pháp rất mạnh, khóa chặt toàn bộ TP.Thuận An, TX.Tân Uyên”. 

Ông Dương Chí Nam kiến nghị cần áp dụng lệnh “giới nghiêm” cho 2 địa phương này, người dân các huyện, thị xã, thành phố khác không được sang giao lưu. Do đó tỉnh xem xét việc quy định người đi làm, vào, ra 2 địa phương này buộc phải có giấy tờ, phiếu xác nhận của cơ quan hoặc giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ... Khóa chặt ổ dịch đỏ “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Cung ứng thực phẩm trực tiếp, bán hàng thực phẩm thiết yếu trực tiếp tại ổ dịch đỏ, cung ứng thực phẩm đến tận từng phòng trọ. Riêng đối với TP.Thuận An, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà và “tạm dừng tất cả các hoạt động” trên địa bàn trong vòng 1-2 tuần, thông báo trước 2 ngày để người dân chủ động sắp xếp công việc, đi chợ mua nhu yếu phẩm cần thiết. Chỉ cho người làm nhiệm vụ phòng chống dịch, cấp cứu, khám chữa bệnh, đảm bảo phục vụ nhu cầu thiết yếu người dân (bưu chính, phân phối lương thực, thực phẩm, dịch vụ cung ứng điện, nước, thông tin, viễn thông, cán bộ công chức cơ quan công sở...) được ra ngoài. 


Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Mạnh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học dược Hải Phòng phát biểu tại cuộc họp

Xung quanh đến những kiến nghị cần làm ngay, Phó Giáo sư tiến sĩ Phạm Văn Mạnh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học dược Hải Phòng cho biết thêm: “Lực lượng quân đội, công an cần tuần tra liên tục tại các “vùng đỏ”, đảm bảo “nhà cách nhà, người cách người”, nhà trọ, khu phố nhất là khu vực có ổ dịch cần tuần tra 24/24h. Địa phương lập chốt, căng dây ngăn cách giữa các vùng xanh - vàng - đỏ, không cho giao lưu với nhau, phát phiếu đi chợ cho người dân ở vùng xanh – vùng vàng mỗi tuần 2 lần; cấm bán rượu, bia, bài... trên địa bàn vì vẫn có trường hợp người dân trong khu nhà trọ tụ tập uống bia, rượu, đánh bài. 

Phân lập F0 trong cộng đồng theo khu vực 

Tại cuộc họp, ông Võ Văn Minh cho biết: Thời gian này tỉnh và các địa phương phải đẩy mạnh xét nghiệm diện rộng nhiều lần để phát hiện các ổ dịch mới, bóc tách, phân lập F0 ngay trong cộng đồng. Tần suất và phương pháp xét nghiệm là 3 ngày/1 lần xét nghiệm đối với TP.Thuận An, TX.Tân Uyên, xét nghiệm liên tiếp 3 lần liên tục trên nguyên tắc không dừng, không chậm trễ.


Tại cuộc họp sáng 18-8, Bà Nguyễn Thị Lệ Trinh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh trao bảng tượng trưng số tiền 5 tỷ đồng cho Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh để mua thuốc đặc trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19

Đề cập đến phương pháp xét nghiệm, ông Dương Chí Nam cho biết: Trong đợt này, tỉnh chia thành 3 đợt xét nghiệm: Đợt 1 ở khu vực nguy cơ cao, rất cao (vùng vàng, vùng đỏ), thực hiện test nhanh kháng nguyên mẫu gộp 3 và giải gộp ngay bằng test nhanh đơn trên toàn địa bàn. Khu vực nguy cơ thấp, vùng xanh thì làm RT-PCR mẫu gộp 10 hoặc gộp theo hộ gia đình. Đợt 2 tiến hành ở khu vực nguy cơ rất cao (vùng đỏ), test nhanh kháng nguyên mẫu gộp 3 và giải gộp ngay bằng test nhanh đơn. Khu vực nguy cơ cao, vùng vàng thì làm RT-PCR mẫu gộp theo hộ gia đình. Khu vực nguy cơ thấp, vùng xanh RT-PCR mẫu gộp 10 hoặc gộp theo hộ gia đình. Đợt 3 sẽ tiến hành PCR mẫu gộp 10 hoặc gộp theo hộ gia đình. Tuy nhiên kế hoạch xét nghiệm tầm soát sẽ được điều chỉnh phù hợp theo tình hình thực tế từng địa phương. 

Nhấn mạnh kế hoạch xét nghiệm đợt này, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh lưu ý dựa trên kết quả xét nghiệm các địa phương sẽ phân ra các khu vực gồm: Khu vực có nguy cơ rất cao (ổ dịch đỏ), khu vực có nguy cơ cao (vùng vàng), khu vực có nguy cơ thấp (vùng xanh). Ngày đầu tiên lấy mẫu test nhanh, tập trung vào khu vực có nguy cơ cao (vùng vàng) để ngay lập tức ước lượng tỷ lệ mắc trung bình trên toàn địa bàn TP.Thuận An, TX.Tân Uyên, để từ đó có phương hướng giải quyết ngay với 3 tình huống đặt ra. Nếu tỷ lệ mắc trung bình ở ngưỡng 2% trở xuống, giải pháp ưu tiên đưa F0 đi cách ly tập trung. Nếu tỷ lệ mắc trung bình ở ngưỡng 2% - 4% đưa đi cách ly tập trung đối với F0 vùng xanh, vùng vàng để những vùng này dần được sạch sớm. Trong trường hợp tỷ lệ mắc trung bình ở ngưỡng trên 4%- 8% hoặc cao hơn thì ở vùng xanh F0 đi cách ly tập trung. Vùng vàng, vùng đỏ, phong tỏa chặt, tiến hành thiết chế cách ly tập trung tại nhà đối với toàn bộ người dân. 

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh đề cập đến tình huống nếu quá nhiều F0, các cấp các ngành trong tỉnh thành lập tổ phản ứng nhanh điều phối việc theo dõi điều trị F0 tại nhà, thực hiện chuyển viện khi có triệu chứng diễn biến vừa, nặng. Các địa phương chuẩn bị sẵn sàng xe chuyển thương, bình ô xy, cán bộ y tế cắm chốt theo từng phường, xã, khu vực. Lập danh sách F0 điều trị tại nhà với tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại di động, số điện thoại người thân, tiền sử bệnh, nhất là những người béo phì, bệnh nền như: cao huyết áp, tim mạch, đái tháo đường theo danh mục Bộ Y tế đã quy định. Tổ chức mạng lưới cộng tác viên, thiết lập đường dây nóng dành cho F0 gọi khi họ không liên hệ được với mạng lưới cộng tác viên; đồng thời treo biển trước cửa nhà để cảnh báo. Sở Y tế xây dựng ngay tài liệu “Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0”. Để đảm bảo cho F0 tự theo dõi sức khỏe tại nhà và báo cho cán bộ y tế hàng ngày, ngành phải có hướng dẫn F0 tự dùng một số thuốc thông thường để điều trị triệu chứng, điều trị ban đầu. Cung cấp phát thuốc miễn phí cho người F0 tự dùng tại nhà (Multivitamin, vitamin C, thuốc kháng đông, kháng viêm, kháng virus.. dạng viên uống); tổ chức hệ thống cán bộ y tế tư vấn sức khỏe, chuyển viện khi có triệu chứng. Ngành cần tổ chức lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 tại nhà để kết thúc cách ly. Các ngành, địa phương cần đảm bảo an ninh trật tự, cung ứng thực phẩm cho nhà có người F0. Thành viên của hộ gia đình có người F0 ở tại nhà chăm sóc phải đảm bảo phòng hộ theo quy định; cung ứng đủ thực phẩm cho người F0 và thành viên gia đình. 

Kim Hà

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên