Cơ sở vật chất phát triển không ngừng

Cập nhật: 15-12-2016 | 08:35:08

Bề nổi của giáo dục Bình Dương chính là việc xây dựng cơ sở vật chất trường lớp. Hàng năm, ngân sách tỉnh chi thường xuyên cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) chiếm 20% tổng chi, chiếm 70% tổng chi sự nghiệp văn xã. Từ đó, mạng lưới trường lớp trong tỉnh phát triển rộng khắp các địa bàn từ đô thị đến nông thôn, đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân ở các địa phương và theo hướng đạt chuẩn quốc gia.

Ngày nay trường học được xây dựng theo hướng đạt chuẩn quốc gia

Kiên cố hóa cơ sở vật chất trường học

Những năm gần đây, hàng năm ngành GD-ĐT tăng thêm trên 20.000 học sinh (HS) các cấp, vậy mà tỉnh vẫn giải quyết đủ chỗ học cho HS. Đó là do tỉnh, ngành GD-ĐT, các ngành có liên quan đã quan tâm đầu tư xây dựng thêm nhiều công trình trường mới. Đi khắp các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, đâu đâu cũng có trường học từ mầm non đến tiểu học, THCS và THPT. Trường lớp không chỉ phát triển nhanh về số lượng mà còn được đầu tư xây dựng bề thế, khang trang hiện đại hơn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị trường lớp được chú trọng đầu tư theo hướng chuẩn hóa, bảo đảm đầy đủ số lượng, đáp ứng được nhu cầu học tập của HS và việc giảng dạy của giáo viên. Chỉ tính hệ ở công lập, năm 2015 toàn tỉnh có 354 trường gồm: 110 trường mầm non, 146 trường tiểu học, 70 trường THCS, 28 trường THPT và 187 trường ngoài công lập. Bà Nguyễn Hồng Sáng, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, Bình Dương là một trong số ít tỉnh không được Bộ GD-ĐT cấp vốn chương trình mục tiêu quốc gia về kiên cố hóa trường lớp. Toàn bộ kinh phí xây dựng cơ bản trường học đều thuộc ngân sách địa phương đảm nhiệm. Nâng cao chất lượng giáo dục, tỉnh, các huyện, thị đã quan tâm đầu tư mua sắm trang thiết bị cho các trường như: phòng máy vi tính, phòng ngoại ngữ, máy chiếu tương tác, bảng Actiboard… Các đơn vị đã khai thác và sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, các thiết bị dạy học đã được trang bị, nhất là các phòng chức năng, phòng nghe nhìn, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy, qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, bền vững về chất lượng giáo dục.

Trường Tiểu học Tân Hiệp (TX.Tân Uyên) được đầu tư xây dựng khá khang trang

Trường lớp được đầu tư xây dựng đầy đủ, trang thiết bị được đầu tư đúng mức, các trường tiểu học tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày ngày càng nhiều. Ở các trường tổ chức học 2 buổi/ngày HS được quan tâm trong việc tổ chức học tập, vui chơi, ăn nghỉ nên chất lượng dạy học được nâng lên, trên 90% HS học khá, giỏi. Đối với các trường THCS và THPT, các trường có điều kiện tổ chức dạy tăng tiết, phụ đạo cho HS yếu kém, bồi dưỡng HS giỏi, qua đó chất lượng giáo dục ở bậc THPT được nâng lên rõ rệt.

Xây dựng trường chuẩn quốc gia

Theo Nghị quyết Đảng bộ tỉnh và chỉ tiêu của UBND tỉnh giao, đến cuối năm 20015 phấn đấu đạt từ 60 - 65% trường đạt chuẩn quốc gia. Đến cuối nhiệm kỳ đạt 62,7% trường chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2010-2015.

Như trên đã nói, mỗi năm Bình Dương tăng thêm hàng chục ngàn HS ở các cấp học. Dưới áp lực số HS tăng cao, ngành GD-ĐT đã đề ra các giải pháp bảo đảm tất cả HS được đến trường. 5 năm qua, quy mô các trường công lập ở tất cả các cấp học đều tăng. Đến nay, cơ sở vật chất trường lớp trên địa bàn tỉnh từ thành thị đến nông thôn ngày càng khang trang, kể cả vùng sâu, vùng xa. Những công trình trường được đầu tư xây dựng theo hướng trường đạt chuẩn quốc gia đáp ứng nhu cầu giáo dục của người dân.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX đã nêu “...phấn đấu đến năm 2015 có 60 - 65% trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia. Hướng đến xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, chủ trương của tỉnh là không xây dựng phòng học lẻ hoặc khối phòng học cho các trường mà xây dựng cơ sở vật chất trường học kiên cố và đồng bộ cả về xây lắp và thiết bị... bảo đảm sau khi xây dựng hoàn chỉnh từng trường phải đạt tiêu chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất trường học”. Theo bà Nguyễn Hồng Sáng, để đạt mục tiêu ấy, Sở GD-ĐT và phòng GD-ĐT các huyện, thị tham mưu xây dựng kế hoạch chi tiết từng giai đoạn thời gian để thực hiện, trong đó công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Các phòng GD-ĐT, các nhà trường phấn đấu đáp ứng từng chỉ số, tiêu chí, tiêu chuẩn được quy định trong các thông tư về trường đạt chuẩn quốc gia của các cấp học; Kịp thời đề ra các giải pháp nhằm thúc đẩy tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn. Theo đánh giá của sở, hầu hết các huyện, thị, thành phố đều có sự nỗ lực lớn trong đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, quy hoạch đất, vận động các tổ chức, cá nhân hiến đất, nhường đất ưu tiên cho xây dựng trường học.

Đi đôi với xây dựng trường lớp, ngành GD-ĐT còn chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ, chất lượng giảng dạy, tăng cường xã hội hóa giáo dục. Nhờ đầu tư có trọng tâm, chất lượng dạy và học ngày càng được nâng lên, đáp ứng được nhu cầu của xã hội và quy định chất lượng của các tiêu chí đánh giá trường đạt chuẩn quốc gia.

 

 A.SÁNG

 

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên