Người lao động đã có việc làm
Nhắc đến anh Bùi Thanh Phúc ở phường Dĩ An, ai cũng biết anh là chỗ dựa tin cậy cho thanh niên muốn học nghề. Ngày trước, được sự giới thiệu của cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ- TB&XH) TX.D An, anh đã tham gia lớp học cắt uốn tóc. Sau khi tốt nghiệp anh Phúc mở tiệm cắt tóc Tú Hàm ở khu phố Nhị Đồng. Với tính cách đam mê học tập, sáng tạo trong suy nghĩ, khách hàng luôn hài lòng khi đến tiệm cắt tóc của anh. Không chỉ cắt tóc, trang điểm anh còn “truyền nghề” cho nhiều bạn trẻ. Anh Phúc cho biết nhìn các bạn trẻ chưa có việc làm, thấy giống mình ngày xưa. Vì vậy, anh đã đứng ra nhận dạy nghề cho thanh niên chưa có việc làm. Hầu hết số thanh niên được anh đào tạo có tay nghề vững chắc, nhiều thanh niên có việc làm, ổn định cuộc sống. Thu nhập bình quân của anh Phúc hiện khoảng 10 triệu đồng/tháng. Đào tạo nghề cơ khí cho lao động nông thôn tại trường Trung cấp nghề Dĩ An
Anh Nguyễn Văn Trung ở phường Tân Bình lại tham gia khóa học lái xe nâng hàng. Sau 3 tháng tham gia đào tạo khóa học, anh Trung tốt nghiệp với tấm bằng loại khá và xin vào làm cho Công ty TNHH DaiDo Việt Nam. Tâm sự với chúng tôi, anh cho biết: “Trước đây gia đình tôi có 2 ha ruộng lúa thấp. Từ ngày phường Tân Bình có chủ trương xây dựng khu dân cư, nhiều gia đình nhà nông tình nguyện giao đất cho Nhà nước. Được sự giới thiệu của cán bộ xã, tôi đăng ký tham gia học nghề lái xe nâng hàng để có việc làm ổn định. Quá trình học tôi được Nhà nước hỗ trợ chi phí học nghề như tiền ăn, tiền xăng xe đi lại. Tôi tự tin với nghề này bởi nó không chỉ phù hợp với tôi mà còn bảo đảm thu nhập cho cả gia đình. Tôi sẽ cố gắng làm việc chăm chỉ, cuối năm sẽ đăng ký tham gia lớp học lái xe ô tô để có thể nâng cao trình độ tay nghề”.
Hiệu quả, nhưng…
Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng các kênh truyền thông và trực tiếp, từ đầu năm đến nay, Phòng LĐ- TB&XH thị xã đã phối hợp với trường Trung cấp nghề Dĩ An mở 4 lớp đào tạo cho LĐNT với 88 học viên tham gia học các ngành nghề, như lái xe nâng hàng, nấu ăn đãi tiệc, cắt uốn tóc. Ngoài ra, thời gian gần đây, phòng còn phối hợp đào tạo 100 LĐNT cắt uốn tóc, nấu ăn đãi tiệc, cơ khí, điện công nghiệp, lái xe nâng hàng, sửa chữa xe gắn máy với tổng kinh phí khoảng hơn 273 triệu đồng.
Ông Đặng Ngọc Phú, PhóTrưởng phòng LĐ-TB&XH TX.DĩAn, cho biết: “Hàng năm, công tác đào tạo nghề cho LĐNT do SởLĐ-TB&XH tỉnh phê duyệt theo quy định. Tuy nhiên, một số ngành nghề khi mở lớp đào tạo vẫn gặp khó khăn. Cụ thể là các ngành nghề nông nghiệp như kỹ thuật trồng và nhân giống nấm, kỹ thuật trồng hoa lan, kỹ thuật trồng và chăm sóc sinh vật cảnh, dự kiến trong năm nay sẽ mở nhưng đến nay chưa mở được bởi không đủ số lượng học viên đăng ký. Cái khó nữa là LĐNT thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình chính sách, có công với cách mạng dù đã được tuyên truyền, tư vấn học nghề nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn, gia đình đông nhân khẩu, mức hỗ trợ tiền ăn còn thấp (10.000 đến 15.000 đồng/ngày học) nên đa số nhóm đối tượng này không có khả năng theo học cho đến cuối khóa. Hầu hết học viên đang tham gia học nghề đều thuộc đối tượng LĐNT nhóm 3. Ngoài ra, các doanh nghiệp trên địa bàn đều cóchính sách đào tạo nghề cho lao động mới vào làm việc, sau 3 tháng người lao động vừa được hưởng lương vừa có tay nghề nên đa số LĐNT chỉ muốn làm ở các doanh nghiệp mà không muốn phải đi học nghề xong mới tìm việc làm”.
“Chăm lo, phát triển dạy nghề cho LĐNT là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội. Chủ trương của thị xã là gắn đào tạo nghề để chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn. Đầu tư cho dạy nghề là đầu tư cho phát triển, người lao động ở mọi vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa phải được học tập để khi làm việc phù hợp với năng lực, đáp ứng nhịp độ phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn, vừa giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, thoát nghèo và phục vụ phát triển kinh tế bền vững. Đạt được kết quả đó, người lao động ở TX.Dĩ An chắc chắn sẽ ổn định cuộc sống”, ông Đặng Ngọc Phú cho biết thêm.
KIM HÀ