Đến lớp sau giờ tan ca

Cập nhật: 19-04-2013 | 00:00:00

Sau giờ tan ca, nhiều anh chị em là thanh niên công nhân vội vã “đi tìm tương lai” - đó là cuộc hành trình học nghề, học bổ túc văn hóa mặc cho đời sống công nhân xa quê còn nhiều khó khăn.

Hy vọng ngày mai

18 giờ, vừa tan ca, bạn Trương Thị Ngọc (công nhân Công ty VinaFoam, Cụm công nghiệp Thái Hòa, Tân Uyên) vội vàng chạy đến trường Trung cấp Công nghiệp Bình Dương (Sóng Thần, phường Bình Hòa, TX.Thuận An) cho kịp giờ học. Tuy cả ngày làm việc mệt mỏi, nhưng Ngọc vẫn rất phấn khởi trong màu áo công nhân ngồi học cùng với nhiều bạn trẻ khác. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Ngọc đến TP.HCM thi để tiếp tục con đường học vấn nhưng không đạt nên đành gác chuyện học hành, đi làm phụ giúp gia đình. Vốn ham học nên khi biết có lớp học đêm vào các ngày thứ 2, 4, 6, Ngọc đã nhanh chóng ghi danh, viết hồ sơ và chọn ngành sư phạm mầm non. Ngọc vui vẻ nói: Em học được hơn 3 tháng rồi đó. Có lúc làm việc rất mệt nhưng đến lớp học lại thấy vui, trong lòng mình luôn nuôi hy vọng tương lai sẽ có công việc ổn định.  

 Bạn Trương Thị Ngọc (bìa phải) công nhân Công ty VinaFoam Cụm công nghiệp Thái Hòa, Tân Uyên tham gia lớp học tại trường Trung cấp Công nghiệp Bình Dương (phường Bình Hòa, TX.Thuận An

Tại trường Trung cấp Công nghiệp Bình Dương, bạn Hoàng Thị Oanh (công nhân Công ty Chí Hùng ở Cụm công nghiệp Thái Hòa, Tân Uyên) chia sẻ: Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên học đến lớp 9 thì Oanh nghỉ học đi làm phụ giúp ba mẹ. Thấy bạn bè được đi học đến nơi đến chốn, công việc, ngành nghề đàng hoàng, nhiều lần đắn đo về thời gian, sức khỏe, học phí Oanh quyết định đi học tiếp. Oanh nói: “Vừa làm vừa học, tuy cực nhưng phải cố gắng vì mình còn trẻ. Nhiều bạn bè cùng trang lứa đã thành đạt thì mình cũng phải làm được như họ. Tuy lớp sư phạm mầm non mình đang theo học phải bổ túc văn hóa, thời gian học là 3 năm nhưng mình vẫn không nản và sẽ phấn đấu lâu dài”.

Học cho tương lai

Mỗi chiều tan ca, trong lúc không ít công nhân nam ngồi quán cà phê hay tán gẫu trong quán nhậu thì bạn Trần Minh Huy, quê Trà Vinh, ở trọ tại khu phố Đông A (phường Đông Hòa, TX.Dĩ An) đến lớp học đêm để mong đổi đời. Hàng ngày, kết thúc công việc ở công ty lúc 17 giờ 30 phút, Huy tất bật chạy đua với thời gian để đến trường Cao đẳng Nông lâm Nam bộ… Bạn đã lập gia đình được hơn 1 năm, nếu làm tăng ca thì thu nhập hai vợ chồng chỉ ở mức trên dưới 6 triệu đồng. Muốn có nghề nghiệp ổn định và để nâng cao đời sống, tạo nền tảng vững chắc cho con cái sau này, Huy quyết tâm đi học thêm ngành điện công nghiệp từ 18 - 21 giờ mỗi ngày. Cả tuần quay vòng với nhà máy và học tập, chỉ còn ngày chủ nhật là bạn dành thời gian nghỉ ngơi.

Làm việc cùng công ty với bạn Hoàng Thị Oanh, bạn Ngô Thanh Tăng vội mua ổ bánh mì lót dạ, tranh thủ để có được nhiều thời gian đến cửa hàng điện thoại học nghề, có khi học xong gần 21 giờ đêm Tăng mới ăn uống rồi về phòng trọ ngủ nghỉ. Tăng cho biết: “Vào Bình Dương và làm công nhân được 2 năm, chi tiêu cân nhắc mình dành dụm cũng chẳng được bao nhiêu. Nhờ chủ cửa hàng điện thoại biết mình là công nhân xa quê, có nhiều khó khăn nên cũng thông cảm về thời gian, còn riêng học phí thì trả dần. Lúc nào mệt lắm hay có việc thì mình mới nghỉ một buổi, ngoài những buổi tối, khi nào rảnh thì mình lại đến cửa hàng học thêm. Cực một chút nhưng muốn có một cái nghề để sau này có thể về quê làm việc thì phải cố sức”…

Thật đáng trân trọng những thanh niên biết chủ động học tập để nâng cao trình độ, nghề nghiệp và phấn đấu, vươn lên. Đó là những điển hình tích cực trong học tập, là hình ảnh đẹp trong cuộc sống công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày nay.

 

 K.TUYẾN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên