Dù Nhà nước đề ra nhiều chế độ, chính sách về an toàn vệ sinh lao động (LĐ), nhưng trên thực tế, việc giảm thiểu bệnh nghề nghiệp (BNN) và các yếu tố về môi trường LĐ vẫn thiếu an toàn…
Đến một nhà máy gạch ở Tân Uyên, chúng tôi chứng kiến hàng ngày công nhân nơi đây làm việc bụi bặm nhưng chỉ được trang bị sơ sài khẩu trang. “Đa số chúng tôi là LĐ phổ thông, trình độ thấp chỉ biết LĐ để kiếm sống qua ngày. Dù làm việc ở đây rất nguy hiểm, phải tiếp xúc bụi bặm, tiếng ồn nhưng chúng tôi vẫn chấp nhận”, anh K., một công nhân than van.
Công nhân LĐ khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Hoàn Hảo
Không chỉ có nhà máy này, mà còn rất nhiều doanh nghiệp (DN) đã và đang gây ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất. Qua kiểm tra giám sát môi trường LĐ tại các DN năm 2013, cho thấy ô nhiễm môi trường LĐ vẫn ở mức cao. Trong số 420 công ty được đo đạc các yếu tố có hại trong môi trường LĐ với 69.741 mẫu thì có 7.675 mẫu không đạt tiêu chuẩn (chiếm 11%). Tỷ lệ mẫu vượt tiêu chuẩn cho phép so với năm 2012 về vi khí hậu (nhiệt độ, tốc độ gió, bức xạ nhiệt) tăng từ 4,61% - 7,52%; ánh sáng tăng từ 15,95% - 16,15%; tiếng ồn tăng từ 17,16% - 18,04%; hơi khí độc tăng từ 31,72% - 41,65%. Những con số đó chứng minh tình trạng môi trường LĐ chưa bảo đảm các yếu tố vệ sinh LĐ, đặc biệt là hơi khí độc. Các ngành có nhiều yếu tố có hại trong môi trường LĐ là ngành gỗ, giày da, cơ khí ở các khâu phun sơn và quét keo...
Bên cạnh gây ô nhiễm môi trường LĐ, năm qua, 103 DN cũng đã tổ chức khám BNN cho 12.502 người lao động (NLĐ). Kết quả đo thính lực sơ bộ có 713 trường hợp theo dõi điếc nghề nghiệp; đo thính lực hoàn chỉnh có 8 trường hợp tiếp tục theo dõi điếc nghề nghiệp; khám bệnh phổi nghề nghiệp chưa phát hiện bệnh phổi nghề nghiệp; khám da nghề nghiệp chưa phát hiện bệnh da nghề nghiệp; định lượng chì niệu có 60 trường hợp thấm nhiễm chì; định lượng chì máu chưa phát hiện bệnh lý. Như vậy tính sơ khởi, toàn tỉnh có hàng trăm trường hợp BNN, trong đó có một số NLĐ bị nhiễm chì, điếc nghề nghiệp và nhiễm bụi phổi silic nghề nghiệp. Một số cán bộ chuyên môn chia sẻ, số ca phát hiện BNN mới chỉ là phần nhỏ trong những người mắc bệnh. Vấn đề bức xúc nhất hiện nay là DN thường hay né tránh tổ chức khám bệnh cho NLĐ nên có một số NLĐ mắc BNN không được khám để phát hiện bệnh kịp thời.
Nguyên nhân phát sinh BNN theo một số cán bộ chuyên môn, còn cho biết các trường hợp bị BNN là do môi trường làm việc, điều kiện nhà xưởng chưa bảo đảm. Hệ thống thông gió, hệ thống xử lý hơi dung môi chưa có hoặc có nhưng hoạt động không hiệu quả, một số cơ sở sản xuất còn sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu phát sinh nhiều tiếng ồn. Tuy nhiên, khi phát hiện BNN, thay vì DN phải có trách nhiệm giải quyết chế độ bồi thường cho NLĐ hay tổ chức khám bệnh cho NLĐ, thì DN sợ tốn chi phí và mất nhiều thời gian; từ đó việc khám bệnh định kỳ và khám phát hiện BNN cho NLĐ chưa đều.
Đó là trách nhiệm về phía DN phải quan tâm hơn về việc phát hiện và tổ chức khám BNN theo định kỳ. Riêng đối với NLĐ, để có môi trường LĐ tốt, hạn chế BNN, NLĐ phải tuân thủ các quy định về vệ sinh LĐ và nội quy LĐ của DN. Về quyền lợi của mình, NLĐ có quyền từ chối làm việc hoặc rời bỏ nơi làm việc khi thấy rõ nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của mình và phải báo cáo ngay với người quản lý trực tiếp. DN phải có trách nhiệm trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ LĐ, vệ sinh LĐ và cải thiện điều kiện LĐ cho NLĐ. Khi tuyển dụng LĐ cần tuyển dụng theo tiêu chuẩn sức khỏe quy định và tổ chức cho NLĐ được khám sức khỏe định kỳ và khám phát hiện BNN hàng năm. Đây cũng là tiêu chí thể hiện ý thức chấp hành pháp luật của DN.
NLĐ được hưởng chế độ BNN khi có đủ các điều kiện sau đây: 1. Bị bệnh thuộc danh mục BNN do Bộ Y tế và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành khi làm việc trong môi trường hoặc nghề có yếu tố độc hại; 2. Suy giảm khả năng LĐ từ 5% trở lên do bị bệnh quy định ở trên.
VĂN SƠN