Nữ nhà báo và cái danh “dễ bị chồng bỏ”

Cập nhật: 21-06-2013 | 00:00:00

Thời còn mon men trước cửa làng báo, tôi được ông chú, cũng trong nghề, “cảnh báo” rằng: “Con gái làm phóng viên vất vả đấy, cẩn thận không chồng nó bỏ…”.

Câu nói của chú theo tôi đến tận bây giờ, không phải để chùn bước lo lắng cho hạnh phúc lung lay trước những khó khăn trong nghề, mà là để dõi theo và chiêm nghiệm, để nhắc nhở mình khi cần lấy lại thăng bằng giữa gia đình và công việc.

Tôi là người an toàn, luôn chọn giải pháp an toàn. Có thể bạn nghĩ “thế sao phù hợp làm báo!”. Người làm báo phải xông pha, thậm chí cứ chỗ nào “thiếu an toàn” nhất thì dấn thân, có vậy mới tìm kiếm được những thông tin đắt giá. Song đó chỉ là phần nổi mà ai cũng thấy khi nghĩ về nghề này. Thực tế, công việc càng hiểm nguy, người ta càng cần sự cẩn trọng.

Tôi trở thành nữ biên tập viên sau chút đắn đo về “giải pháp an toàn” cho hạnh phúc riêng tư. Làm công tác biên tập có lẽ sẽ “nhàn” hơn, có nhiều thời gian hơn để chăm sóc gia đình. Những ngày đầu, tôi nghĩ thế…

Vậy nhưng tôi đã nhầm. Thực tế thì với bất kỳ nghề nào, khi bạn say mê nó, muốn dụng tâm về nó, bỏ công sức về nó, bạn sẽ luôn bận rộn. Nghề báo càng đòi hỏi tâm sức nhiều hơn. Nếu bạn không đam mê, không dụng công với nó, bạn không thể theo nghề. Sự thiếu đam mê sẽ hình thành cho bạn rất nhiều áp lực.

Chồng tôi đã quá quen với cảnh 1-2 giờ sáng vẫn thấy vợ lọ mọ bên máy tính khi có tin bài về một sự kiện nóng cần lên gấp. Các con tôi, đứa lớn tự biết thân biết phận tìm một góc mà chơi khi mẹ “ôm máy tính”, vì nó hiểu mẹ đang cần làm việc, mọi cố gắng thu hút sự chú ý của mẹ lúc ấy đều không ích lợi gì. Song đứa bé thì không hiểu điều đó. Phần lớn thời gian tôi tranh thủ làm việc, trực tin buổi tối, nó sẽ lao vào đòi đập máy tính của tôi, nó muốn “chơi” cùng với tôi. Không được mẹ đáp ứng, nó mè nheo, quấy nhiễu. Hòa bình chỉ thực sự được lập lại khi sự căng thẳng của cả hai mẹ con đã bắt đầu leo thang và bố nó đến giải cứu cho tôi bằng cách bế thốc thằng bé đi trong khi mồm nó vẫn gào hết công suất còn nước mắt nước mũi thì tèm lem khắp mặt.

Đôi khi tôi cũng tự hỏi ông xã uống phải thuốc gì mà có thể kiên nhẫn được với vợ đến thế. Từ ngày lấy anh, chưa có Tết nào tôi dành được thời gian cho gia đình một cách trọn vẹn. Chúng tôi đều phải trực tin. Một tờ báo điện tử cập nhật tin tức theo giờ thì không có chuyện nghỉ ngơi ngay cả ngày lễ tết. Bởi thông tin mới không nghỉ, vẫn luôn có sự kiện mới diễn ra...

Các kỳ du lịch cũng vậy. Tôi có thể đãng trí quên xách túi hành lý chứa tất cả quần áo của mấy mẹ con trong vài ngày xa nhà (nên thường thì ông xã sẽ đảm nhận luôn việc đó) nhưng không bao giờ quên cắp theo laptop - “người tình” của tôi. Tôi cần nó để kết nối với đồng nghiệp trong guồng công việc vẫn vận động không ngừng, chẳng liên quan tới chuyện tôi có đang “đi nghỉ” hay không.

Giờ bạn đã có thể hình dung đôi chút về sự “thiên vị” cho công việc của những người làm báo, về sự thiệt thòi của những gia đình trót chọn “người giữ lửa” làm nghề báo, song bạn đừng tin họ có tỉ lệ đổ vỡ hôn nhân cao hơn. Dù làm việc trong ngành nghề nào, chúng ta vẫn đối diện với nguy cơ đổ vỡ hôn nhân nếu thiếu kỹ năng tổ chức cuộc sống, thiếu một tấm lòng yêu thương, đồng cảm. Tôi có thể để công việc đôi lúc “đánh cắp” thời gian của gia đình, nhưng tôi sẽ tìm cách bù đắp cho chồng, cho con bằng một cách khác, vào một lúc khác.

Thật may là đến giờ, tôi vẫn dám nói với bạn rằng, tôi làm báo, và gia đình tôi hạnh phúc.

Theo Dân Trí

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên