Tài sản riêng của vợ hoặc chồng

Cập nhật: 07-08-2014 | 11:15:59

Mẹ tôi có cho tôi một căn nhà và đã lập thủ tục sang tên cho tôi. Hiện chồng tôi bị tòa án tuyên phạt phải bồi thường cho bên nguyên đơn một số tiền. Vậy ngôi nhà này có bị kê biên thi hành án để bồi thường hay không?

PHAN MỸ LỆ (P.Thuận Giao, TX.Thuận An)

Theo Luật Hôn nhân và Gia đình, tài sản của vợ chồng được quy định theo nguyên tắc: Với tài sản chung, nghĩa vụ tài sản của mỗi bên được bảo đảm bằng phần tài sản của người đó trong khối tài sản chung. Với tài sản riêng (có thể có trước hoặc trong thời kỳ hôn nhân), mỗi bên có toàn quyền định đoạt. Do bạn không nêu rõ ngôi nhà này là tài sản riêng của bạn hoặc đã nhập vào tài sản chung của vợ chồng. Vậy, xin đưa ra các giả thuyết sau:
- Ngôi nhà được tặng riêng cho bạn và giấy chứng nhận quyền sở hữu mang tên bạn, hai vợ chồng bạn thỏa thuận là không nhập ngôi nhà này vào tài sản chung. Do đó, ngôi nhà này thuộc quyền sở hữu riêng của bạn nên không thể bị kê biên để thi hành án.
- Trường hợp bạn nhập ngôi nhà này vào tài sản chung của vợ chồng, thì nó có thể được sử dụng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của chồng bạn trong bản án. Nếu bị kê biên thi hành án, phần tài sản của bạn (1/2 giá trị ngôi nhà) trong đó được giữ nguyên. Phần còn lại của chồng bạn sẽ được xử lý để thi hành nghĩa vụ bồi thường.

Ly hôn có yếu tố nước ngoài
Chồng tôi là Việt kiều Mỹ, do không thể đoàn tụ được nên tôi muốn ly hôn và anh ấy cũng đồng ý, nhưng lại không thể về Việt Nam để giải quyết việc ly hôn. Vậy có cách nào để tôi được ly hôn mà chồng tôi không phải về Việt nam hay không?

ĐẶNG THÙY LAN (P.Hiệp Thành, TP.TDM)

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, thì đối với vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài sẽ do TAND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giải quyết. Để được giải quyết việc ly hôn, chị nên liên hệ với TAND cấp tỉnh để nộp đơn xin ly hôn. Kèm theo đơn là các giấy tờ, tài liệu như: bản chính giấy chứng nhận kết hôn; bản sao hợp lệ sổ hộ khẩu, giấy CMND, giấy khai sinh con (nếu có con chung), các giấy tờ về tài sản (nếu có tranh chấp)…
Sau khi tòa nhận đơn và thụ lý, chị yêu cầu chồng chị ở bên Mỹ gửi về Việt Nam đơn xin ly hôn vắng mặt; trong đơn phải thể hiện rõ các nội dung: đồng ý ly hôn với người vợ ở Việt Nam; nguyện vọng, yêu cầu về con chung (nếu có); nguyện vọng, yêu cầu về tài sản (nếu có) và yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn vắng mặt. Đơn này phải có xác nhận của công chứng viên bên Mỹ, chữ ký của công chứng viên phải có xác nhận của Bộ Ngoại giao Tiểu bang; sau đó gửi đến Đại sứ quán hoặc Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Mỹ để hợp pháp hóa lãnh sự, xong gửi về Việt Nam cho chị và chị nộp đơn này tại tòa án.
Sau khi nhận được đơn ly hôn vắng mặt của chồng chị, tòa án sẽ tiến hành đưa vụ án ra xét xử. Xét xử xong, tòa án sẽ gửi bản án cho chồng chị và hướng dẫn: nếu đồng ý với bản án của tòa thì làm đơn cam kết không kháng cáo. Đơn này cũng phải công chứng và hợp pháp hóa lãnh sự như hướng dẫn trên. Tòa án sẽ cấp bản án ly hôn có hiệu lực pháp luật cho các đương sự sau khi nhận được đơn cam kết không kháng cáo của chồng chị hoặc sau 2 tháng, kể từ ngày gửi bản án cho chồng chị (tính theo dấu bưu điện), trong trường hợp chồng chị không làm đơn cam kết không kháng cáo.

Luật gia XUÂN LẠC

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên