Tháo gỡ khó khăn, kéo giảm tranh chấp lao động

Cập nhật: 12-07-2013 | 00:00:00

Cùng với sự chỉ đạo của UBND tỉnh, nỗ lực của các ban ngành, đoàn thể trong việc quan tâm đến người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động đã nắm bắt khó khăn, tâm tư nguyện vọng của NLĐ và kịp thời tháo gỡ. Những việc làm trên đã góp phần kéo giảm tình hình tranh chấp lao động tập thể - đình công (TCLĐTT-ĐC), ổn định xã hội.

Lãnh đạo tỉnh đối thoại với công nhân tại Dĩ An tháng 9-2012

Tín hiệu vui từ những con số

Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2013, trên địa bàn tỉnh chỉ còn xảy ra 54 vụ TCLĐTT-ĐC, tại 53 doanh nghiệp (DN) với 12.888 người tham gia. So với cùng kỳ năm 2012, giảm 139 vụ (61%), trong đó, số vụ TCLĐTT- ĐC trong KCN là 18 vụ, ngoài các KCN là 36 vụ. Địa bàn xảy ra TCLĐ-ĐC nhiều nhất là Thuận An (12 vụ), Tân Uyên (10 vụ).

Nguyên nhân do một số DN chưa tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, như: chưa tính lương làm thêm giờ, sa thải NLĐ không đúng quy định, cắt giảm các khoản trợ cấp khi điều chỉnh lương, chậm trả lương, tính mức thưởng tết chưa hợp lý… Phía NLĐ yêu cầu tăng lương cao hơn mức quy định của pháp luật, muốn tăng các khoản trợ cấp nhưng phía DN không đáp ứng được.

Trước con số đáng mừng về tình hình TCLĐTT-ĐC, phải kể đến vai trò của các cấp, các ngành, đoàn thể, địa phương đã nỗ lực phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và giải quyết TCLĐTT-ĐC nhanh chóng. Theo đó, Ban chỉ đạo tỉnh đã nắm chắc tình hình khó khăn của DN và NLĐ, từ đó tập trung thực hiện tốt việc tháo gỡ. Bên cạnh đó, khi có tranh chấp, DN chủ động thông báo cho NLĐ biết những yêu cầu được giải quyết, những yêu cầu không được giải quyết; quan tâm hơn đến đời sống tinh thần, vật chất, tạo niềm tin cho NLĐ.

Ngoài ra, các đơn vị có liên quan còn cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, như: Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) xây dựng kế hoạch để lãnh đạo tỉnh gặp gỡ, đối thoại với cán bộ công đoàn các DN và NLĐ; kiểm tra việc thực hiện Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội tại 74 DN, triển khai phiếu tự kiểm tại 300 DN. Kết quả, đã xử phạt vi phạm hành chính 167 triệu đồng và yêu cầu DN thực hiện đúng quy định của pháp luật lao động. Song song đó, lực lượng công an các cấp đã vào cuộc xử lý 19 vụ liên quan đến TCLĐTT-ĐC, ngăn chặn 4 vụ không để phát sinh, giáo dục răn đe 4 đối tượng kích động đình công.

Giải pháp tiến tới “xóa” TCLĐTT-ĐC

Ông HUỲNH VĂN LƯƠNG, Trưởng ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ tỉnh: Thời gian tới, LĐLĐ sẽ chủ trì, phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tổ chức họp mặt tọa đàm giữa lãnh đạo tỉnh với công nhân lao động và cán bộ công đoàn của DN tại huyện Tân Uyên, TX.Dĩ An, TX.Thuận An.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bến Cát LÊ KHẮC TRI: Hiện Bến Cát có 180 DN đang gặp nhiều khó khăn, do đó khó tránh khỏi việc DN chậm trả lương, hoặc không thực hiện yêu cầu của NLĐ về tăng phụ cấp quá cao. Do đó, lãnh đạo huyện đã tổ chức gặp gỡ để nắm bắt khó khăn của DN, cũng như NLĐ. Từ đó, giải quyết những vướng mắc còn tồn đọng để tạo niềm tin giữa NLĐ và DN. Bên cạnh đó, huyện cũng chỉ đạo lực lượng chức năng thường xuyên theo dõi, nắm bắt địa bàn để phát hiện sớm, ngăn chặn đình công.

Theo ý kiến của Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng ban chỉ đạo TCLĐTT-ĐC tỉnh Huỳnh Văn Nhị, mặc dù tình hình trên có giảm nhưng không vì vậy mà chủ quan. Trong thời gian sắp tới, các ban ngành, đoàn thể, địa phương cần tiếp tục chỉ đạo để hạn chế đến mức thấp nhất, hoặc “xóa” tình trạng tranh chấp dẫn đến đình công của NLĐ. Muốn làm được điều này phải có sự phối hợp đồng bộ, sự hợp tác của DN và NLĐ. Từ đó, để DN và NLĐ yên tâm đầu tư, cống hiến tài - lực cho nền phát triển chung của tỉnh.

Theo đó, đại diện Sở LĐ-TB&XH đưa ra giải pháp, sẽ tiếp tục phối chỉ đạo phòng LĐ-TB&XH các huyện, thị, thành phố tập trung hướng dẫn cho DN các văn bản liên quan đến Bộ luật Lao động năm 2012; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động tại các DN.

Công an tỉnh sẽ chỉ đạo các phòng, ban và công an các huyện, thị, thành phố và trong các KCN có kế hoạch nắm tình hình, bảo đảm an ninh, trật tự trong địa bàn; kịp thời phát hiện, ngăn chặn âm mưu, hành vi kích động công nhân đình công, gây rối trật tự. Xử lý nghiêm các đối tượng, băng nhóm tham gia kích động, lôi kéo, ép buộc người khác tham gia TCLĐTT-ĐC. Dự báo các DN có nguy cơ đình công để hướng dẫn cho DN thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Nhị cũng đã yêu cầu các ban ngành, đoàn thể, UBND địa phương tăng cường tuyên truyền, giám sát việc thực hiện đường lối, chính sách, pháp luật Nhà nước đến người sử dụng lao động và NLĐ; tổ chức nhiều buổi tọa đàm giữa công nhân với lãnh đạo tỉnh và công đoàn các DN để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của NLĐ; đồng thời, tăng cường kiểm tra an ninh trật tự khu nhà trọ; phối hợp với các huyện, thị, thành phố tuyên truyền cho chủ nhà trọ các chính sách về điện, nước cho công nhân…

 TỐ TÂM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=281
Quay lên trên