Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm (ATTP) tỉnh vừa tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch Tháng hành động vì ATTP tỉnh Bình Dương năm 2018. Theo kế hoạch đã được Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh ấn định, Tháng hành động vì ATTP tỉnh Bình Dương năm 2018 sẽ diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5, với chủ đề “Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm”, nhằm chủ động phòng ngừa vấn nạn ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa nguồn thực phẩm không an toàn tiếp cận người tiêu dùng. Từ đó, hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm do sử dụng thực phẩm không an toàn.
Sử dụng thực phẩm không an toàn kéo theo các hệ lụy khó lường về sức khỏe. Thời gian qua, tại các doanh nghiệp có đông công nhân lao động làm việc trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm tập thể. Nguyên nhân của những vụ ngộ độc tập thể này chủ yếu là do sử dụng thực phẩm không an toàn. Chỉ vì lợi nhuận, các đơn vị cung cấp suất ăn cho những doanh nghiệp này đã sử dụng thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc hoặc biết rõ nguồn gốc thực phẩm không an toàn nhưng vẫn đưa vào chế biến bữa ăn cho công nhân. Một khi ngộ độc thực phẩm xảy ra, doanh nghiệp có đông công nhân lao động gặp sự cố phải hao tốn rất nhiều thời gian, kinh phí để khắc phục. Đó là chưa kể tính mạng, sức khỏe của công nhân lao động vướng ngộ độc thực phẩm còn bị đe dọa nghiêm trọng.
Để hạn chế đến mức thấp nhất các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể, từ nhiều năm qua Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp, như: Truyền thông, triển khai Tháng hành động ATTP và tăng cường thanh tra, kiểm tra vấn đề ATTP tại các bếp ăn tập thể, cơ sở kinh doanh thực phẩm, đơn vị cung cấp suất ăn cho doanh nghiệp, trường học… Cùng với Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh, các cấp lãnh đạo trong tỉnh, đặc biệt là HĐND tỉnh, cũng thường xuyên thực hiện việc giám sát nhằm hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể. Mới đây, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát hàng loạt bếp ăn tập thể của các doanh nghiệp, trường học tại 6 địa phương cấp huyện, thị, thành phố trong tỉnh. Mục đích của việc giám sát là nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những tồn đọng tại các bếp ăn tập thể, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể có thể xảy ra.
Với chủ đề “Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm”, Tháng hành động vì ATTP năm nay nhấn mạnh đến trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Muốn có thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn, phải an toàn từ đồng ruộng tới bàn ăn. Có nghĩa là phải sản xuất an toàn, thu hoạch bảo quản an toàn, chế biến an toàn và kinh doanh an toàn... Chỉ cần một khâu trong chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm thiếu an toàn thì người tiêu dùng sẽ nhận lãnh hậu quả khó lường. Sử dụng thực phẩm không an toàn kéo dài không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe tức thời mà còn kéo theo những bệnh tật dai dẳng như suy dinh dưỡng, suy giảm hệ miễn dịch và ảnh hưởng tới khả năng tư duy…
Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm chính là tăng cường sự an toàn của chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm đến tay người tiêu dùng, nhằm ngăn chặn có hiệu quả những hệ lụy của thực phẩm thiếu an toàn đối với xã hội, vì sự tồn vong của cả giống nòi.
LÊ QUANG