Hồi sinh những vùng “đất chết”

Cập nhật: 03-04-2018 | 08:17:04

Đi qua hai cuộc chiến, Việt Nam gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề do chiến tranh để lại. Trong số những hậu quả của chiến tranh để lại, tại Việt Nam hiện có nhiều vùng “đất chết” do ô nhiễm bom mìn, vật liệu nổ chưa được rà phá. Nguyên nhân là do kinh phí dành cho việc rà phá bom mìn để trả lại màu xanh cho đất còn cao, trong khi nguồn lực đầu tư cho vấn đề này còn có hạn. Để phủ xanh những vùng “đất chết”, việc cần làm trước mắt vẫn là dọn sạch bom mìn, vật liệu nổ còn lưu lại trong đất và Việt Nam đang có nhiều nỗ lực hướng đến vấn đề này với những việc làm cụ thể. 

Chiến tranh đã lùi xa gần tròn 43 năm, nhưng theo ước tính của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, số bom đạn sót lại sau chiến tranh vẫn còn khoảng 800.000 tấn, làm ô nhiễm trên 20% diện tích đất đai toàn quốc. Tất cả đất đai tại 63/63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam đều bị ô nhiễm bom mìn, vật liệu nổ. Tính từ năm 1975 đến nay, bom mìn còn sót lại sau chiến tranh đã làm hơn 40.000 người chết và hơn 60.000 người bị thương, trong đó phần lớn là lao động chính trong gia đình và trẻ em. Hậu quả của bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại trong đất đối với người dân và nền kinh tế là vô cùng lớn. Nhận thức rõ vấn đề này, ngay sau khi chiến tranh kết thúc, Chính phủ và các ban, ngành Việt Nam đã nỗ lực thúc đẩy công tác rà phá bom mìn để hồi sinh những vùng “đất chết”.

Tại Bình Dương, sau chiến tranh vẫn còn nhiều vùng “đất chết” gắn liền với những địa danh một thời hào hùng lửa đạn và tinh thần anh dũng đấu tranh chống giặc ngoại xâm của quân dân ta, như: Bàu Bàng, Lai Khê, Bông Trang, Nhà Đỏ… Đây đều là những vùng đất màu mỡ, có nhiều tiềm năng đem lại giá trị kinh tế cao nếu được đưa vào sản xuất nông nghiệp hoặc xây dựng nhà xưởng phục vụ sản xuất công nghiệp. Với quyết tâm làm sạch bom mìn để trả lại màu xanh cho đất, nâng cao giá trị của đất, chính quyền tỉnh và ngành quân sự địa phương đã nhanh chóng bắt tay vào việc triển khai công tác rà phá bom mìn. Chỉ sau một thời gian ngắn, những vùng “đất chết” trên địa bàn tỉnh đã được dọn sạch bom mìn, vật liệu nổ, giúp người dân yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh. Tính đến thời điểm này, Bình Dương đã hồi sinh hết những vùng “đất chết” sau chiến tranh. Những địa danh trên hiện đang phủ xanh bóng mát cây cao su, cây ăn trái, mọc lên tầng tầng lớp lớp nhà máy xí nghiệp, đem lại nguồn lợi lớn cho người dân và nền kinh tế tỉnh nhà.

Kết quả trên ghi dấu ấn sự nỗ lực của chính quyền tỉnh nhà đối với công tác rà phá bom mìn, trả lại màu xanh cho đất, nâng cao giá trị của đất. Tuy nhiên, không phải địa phương nào trong nước cũng làm được như Bình Dương, bởi vẫn còn đó rất nhiều vùng “đất chết” trên khắp đất nước chưa được hồi sinh và thiệt hại về người và của do những vùng “đất chết” chưa được làm sạch bom mìn gây ra là không hề nhỏ. Nhân Ngày Quốc tế rà phá bom mìn (4-4), nhắc lại vấn đề này để thấy hồi sinh cho những vùng “đất chết” là việc cần làm nhằm tránh tổn thất về tính mạng, tài sản và nâng cao đời sống của nhân dân, hướng đến sự phát triển ổn định, bền vững.

LÊ QUANG

Chia sẻ bài viết
Tags
Việt Nam

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=455
Quay lên trên