Asiad và những cây cầu treo dân sinh…

Cập nhật: 24-03-2014 | 00:00:00

Hai vế của cái tựa cho chuyên mục kỳ này xem chừng “tréo ngoe”, nhưng người viết lại muốn “kéo” nó lại cùng nhau để bàn luận đôi dòng, bởi “độ nóng” của hai vấn đề xuyên suốt cả tuần qua mà báo chí đã tốn không ít giấy mực.

Vâng, Asiad đang “nóng” trên bàn nghị sự và cả trên diễn đàn công luận, người đứng đầu ngành văn hóa - thể thao nước nhà đang “méo mặt” để trả lời hàng loạt câu hỏi đặt ra. Đăng cai một kỳ Asiad, với Việt Nam không phải không đủ trình độ để tổ chức mà cái đáng lo và đang bàn luận sôi nổi chính là kinh phí.

Con số 150 triệu USD từ phía ngành thể thao đưa ra chẳng những không thuyết phục được ai mà trái lại còn có nhiều ý kiến cho rằng đó là điều không tưởng. Một con số quá nhỏ nhoi nếu biết rằng, trong 3 kỳ Asiad gần nhất mà các nước bạn tổ chức, chưa có kỳ đại hội thể thao nào chi phí dưới con số một tỷ USD.

Biện luận cho con số trên là hàng loạt giải pháp đi kèm mà xem ra cũng không khả thi. Rằng sẽ kêu gọi xã hội hóa, kêu gọi nhà đầu tư, rồi nâng cấp, sửa chữa những cơ sở vật chất sẵn có… Không khả thi và chẳng thuyết phục là bởi, dù có nâng cấp, sửa chữa thì cũng là tiền để đầu tư cho một kỳ đại hội sao lại để sang một bên mà không chịu cộng vào. Chuyện xây làng vận động viên sử dụng xong để… bán thu hồi vốn cũng bị “dập” tơi bời bởi bất động sản đang trong thời điểm “sống dở, chết dở”. Ngay cả công trình đua xe đạp lòng chảo dự tính khoảng 10.000 tỷ đồng mà bằng cách kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài cũng “không đứng vững” trước các nhà phản biện. Nhà đầu tư nước ngoài (nghe đâu đã sẵn sàng) dù có nhảy vào thì đi kèm là điều kiện phải cho họ tổ chức cá cược sau khi tổ chức xong đại hội. Cá cược ư, chỉ mỗi chuyện cá cược trong bóng đá đã bàn luận cả chục năm nay vẫn chưa cho phép cơ mà!

Hàng loạt vấn đề Asiad chưa có hồi kết và nhiều nhà kinh tế thể thao có uy tín khuyên can rằng, thôi thì chấp nhận nộp phạt 1 triệu USD theo quy định để khỏi phải tốn tiền, tốn của của quốc gia!

Tổ chức Asiad hay những cây cầu treo dân sinh ở vùng cao, biên giới đều là chuyện không hề nhỏ chút nào trên con đường phát triển của đất nước. Có cần thiết để “nâng tầm thể thao nước nhà” như lời của người đứng đầu ngành văn hóa- thể thao trong khi những thầy cô giáo, những học sinh nơi vùng cao phải chui vào túi nilon để vượt suối đến trường bởi chưa có tiền xây cầu? Chắc chắn cái dự án xây 186 cây cầu dân sinh với vốn dự tính chưa tới 2.000 tỷ đồng sẽ nhận được sự đồng thuận cao của người dân cả nước. Và, cái Asiad đã lỡ nhận đăng cai, có quyền trả và chịu nộp phạt, phải chăng đó là một lối thoát “thông minh” trong điều kiện của kinh tế nước nhà hiện tại!

CẢNH  HƯỞNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=399
Quay lên trên