Bài học nào từ cơn bão số 3?

Cập nhật: 05-08-2019 | 09:19:36

 Chiều 3-8, Văn phòng Chính phủ đã phát đi công điện của Thủ tướng Chính phủ gửi các bộ, ngành, địa phương yêu cầu tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa, lũ do cơn bão số 3 gây ra. “Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo Quân khu 4, các lực lượng đóng quân trên địa bàn triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn đối với những người còn mất tích và hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai theo đề nghị của địa phương, nhất là tại tỉnh Thanh Hóa”, công điện nêu rõ.

Bão số 3 được đánh giá là không lớn, nhưng gây thiệt hại nặng nề cho nhiều địa phương do lượng mưa cục bộ quá lớn. Mưa lớn gây ra lũ quét làm 1 người chết, 13 người mất tích, 29 ngôi nhà bị thiệt hại hoàn toàn, hàng trăm ngôi nhà bị thiệt hại một phần, hàng ngàn hec ta cây trồng bị hư hại, nhiều tuyến đường tại các tỉnh ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 bị sạt lở gây ách tắc giao thông... Dự báo tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ còn tiếp tục có mưa lớn, xảy ra nguy cơ cao về lũ cục bộ, lũ quét và sạt lở đất tại vùng núi, nên trong công điện Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo triển khai một số nhiệm vụ cấp bách nhằm khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 và mưa, lũ gây ra.

Nhìn vào con số thống kê về thiệt hại do mưa, lũ gây ra đối với các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc những năm gần đây cho thấy mật độ ngày càng dày hơn. Lũ ống, lũ quét đối với các tỉnh trung du và núi phía Bắc ngày càng nhiều, nguyên nhân được chỉ ra là do độ che phủ rừng giảm, từ đó làm giảm sức chống chịu của đất, gây sạt lở đất. Thiệt hại do mưa, lũ gây ra đối với các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc cũng cao hơn qua từng năm là do cơ sở hạ tầng ở các khu vực vùng núi còn thấp, công tác dự báo, cảnh báo, hệ thống truyền thông tin đến người dân còn rất hạn chế. Trong khi đó, tập quán của người dân các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc là thích sống dọc sông suối để gần nguồn nước, tiện việc canh tác, từ đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro khi xảy ra lũ ống, lũ quét.

Bão số 3 trực tiếp đổ vào Quảng Ninh, Hải Phòng nhưng các địa phương này không có thiệt hại về người. Ngược lại, tại các khu vực miền núi Thanh Hóa lại có hàng chục người thiệt mạng và mất tích vì mưa, lũ. Điều này cho thấy hệ thống thông tin cảnh báo đến người dân trong vùng có nguy cơ cao chưa được chú trọng; người dân còn rất chủ quan trong việc phòng, chống thiên tai... Nếu được đầu tư nâng cao năng lực dự báo, kịp thời di dân ra khỏi khu vực nguy hiểm và chính quyền chủ động, quyết liệt ngay từ giai đoạn trước khi thiên tai xảy ra thì thiệt hại về người chắc chắn sẽ không lớn.

Để rút ra bài học kinh nghiệm phòng, chống thiên tai hiệu quả hơn, thiết nghĩ cùng với việc khẩn trương khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra, các bộ, ngành và địa phương trong vùng ảnh hưởng của cơn bão cần chỉ rõ nguyên nhân vì sao bão nhỏ lại gây thiệt hại lớn.

LÊ QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=456
Quay lên trên