Băn khoăn nội dung tăng tuổi nghỉ hưu

Cập nhật: 01-08-2019 | 08:46:11

Điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu; mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa; bổ sung thêm ngày nghỉ lễ trong năm… là những nội dung đáng chú ý trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ- TB&XH) đề xuất được tổ chức, cá nhân sử dụng lao động và người lao động quan tâm. Trao đổi với báo chí về những vấn đề nêu trên, nhiều lao động đồng tình với nội dung dự thảo, nhưng cũng có không ít ý kiến băn khoăn, đặc biệt là đối với nội dung điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu.

Tăng tuổi nghỉ hưu lên 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam là một trong những nội dung trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) nhận được nhiều ý kiến nhất trong các cuộc khảo sát, lấy ý kiến người lao động. Theo Bộ LĐ-TB&XH, ba lý do được bộ này lý giải cho đề xuất tăng tuổi hưu gồm dân số đang già hóa, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu để bảo đảm cân bằng ổn định của quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) và khả năng lao động sau tuổi nghỉ hưu của người Việt Nam còn cao. Tuy nhiên, theo ý kiến của người lao động, cả ba lý do nêu trên chưa thật sự thuyết phục.

Đối với vấn đề già hóa dân số, nhiều ý kiến cho rằng cần xem xét lại thời điểm tăng tuổi nghỉ hưu vì Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, khả năng kéo dài đến năm 2035, nếu tăng tuổi nghỉ hưu sớm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thị trường lao động. Đó là chưa nói đến việc nếu tăng tuổi nghỉ hưu sớm sẽ khó giải quyết vấn đề xây dựng bộ máy hành chính hiệu lực, hiệu quả vì nhiều sinh viên mới ra trường nhiệt huyết, năng động, sáng tạo lại không có việc làm. Tăng tuổi nghỉ hưu sớm đồng nghĩa với việc tước mất cơ hội làm việc của những sinh viên mới ra trường.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu để bảo đảm cân bằng ổn định của quỹ BHXH, nhưng theo ý kiến của các bộ ngành, tổ chức, cá nhân sử dụng lao động thì điều này rất khó xảy ra. Việc Bộ LĐ-TB&XH đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu để kéo dài thêm thời gian làm việc của người lao động nhằm chậm trả tiền BHXH, giảm nguy cơ vỡ quỹ BHXH là không thuyết phục. Vấn đề cân bằng, ổn định quỹ BHXH như thế nào là phụ thuộc vào việc quản lý quỹ, còn mối tương quan giữa người đang làm việc và người hưởng lương hưu chưa ảnh hưởng nhiều trong giai đoạn hiện nay và cả tương lai gần. Do vậy, tăng tuổi nghỉ hưu cần có lộ trình cụ thể cho từng đối tượng cụ thể, không nên “dàn hàng ngang” như đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH.

Thừa nhận tuổi thọ của người Việt Nam hiện đã cao hơn nhiều so với trước đây nhờ sự tiến bộ của y học, nhưng theo ý kiến của người lao động, tuổi cao không đồng nghĩa với thể trạng sức khỏe tốt. Đối với một số ngành nghề đặc thù cần sự nhanh tay, lẹ mắt thì khả năng làm việc khi tuổi cao sẽ rất kém. Việc tăng tuổi nghỉ hưu còn làm giảm tỷ lệ hưởng lương hưu, dẫn đến hình thành một tầng lớp người dân có thu nhập rất thấp khi về già.

Từ ý kiến của các tổ chức, cá nhân sử dụng lao động và người lao động, thiết nghĩ việc tăng tuổi nghỉ hưu cần được cân nhắc để có phương án cụ thể, vừa không ảnh hưởng đến thị trường lao động nói chung, vừa bảo đảm quyền lợi của người lao động nói riêng.

 LÊ QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=517
Quay lên trên